Bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có đáp án chi tiết

Các dạng bài tập tình huống về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp chủ doanh nghiệp, kế toán viên và sinh viên chuyên ngành kinh tế làm quen và nắm vững cách tính thuế, phân bổ chi phí và tối ưu lợi ích từ chính sách ưu đãi thuế hiện hành. Hãy cùng Kế Toán Phía Nam tham khảo các bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có lời giải để áp dụng hiệu quả vào hoạt động kinh doanh.

Bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có đáp án chi tiết
Bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có đáp án chi tiết

Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp

Để xác định được số thuế phải nộp của doanh nghiệp, bạn có thể tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo các bước như sau:

Bước 1 : Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập chịu thuế là các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu nhập khác trong kỳ tính thuế. Công thức xác định thu nhập chịu thuế TNDN được quy định như sau:

Công thức : Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác.

Trong đó :

  • Doanh thu là tổng số tiền thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ (bao gồm cả các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội được hưởng) mà không phân biệt đã thu hoặc chưa thu được tiền.
  • Chi phí được trừ là các khoản chi hợp lý được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế như chi phí nguyên vật liệu, nhân công, quản lý doanh nghiệp, khấu hao tài sản cố định, lãi vay,…

➤ Chi tiết xem tại đây : Các khoản doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN 

➤ Chi tiết xem tại đây : Các loại chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế TNDN

Bước 2 : Xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Công thức : Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Các khoản miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển).

Sau đây là cách xác định lỗ và chuyển lỗ theo quy định, cụ thể :

  • Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm của thu nhập tính thuế, chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các kỳ tính thuế trước sang.
  • Doanh nghiệp phát hiện lỗ sau khi quyết toán thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ này vào thu nhập chịu thuế (sau khi đã trừ thu nhập miễn thuế) của các năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp theo năm phát sinh lỗ.
  • Doanh nghiệp có thể chuyển lỗ tạm thời vào thu nhập của các quý của năm tiếp theo sau khi lập tờ khai tạm nộp quý và chuyển lỗ chính thức khi lập tờ khai quyết toán năm.

➤ Tham khảo thêm : Danh sách các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN

Bước 3 : Tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế

Công thức : Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Quỹ KH&CN) × Thuế suất thuế TNDN

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp là 20%. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đặc thù có thể chịu thuế suất lên đến 35% hoặc 50%, trong khi một số khác được hưởng ưu đãi thuế TNDN chỉ có 10%.

➤ Có thể bạn quan tâm : Các mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho từng doanh nghiệp

Hướng dẫn giải bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có lời giải

Để hiểu rõ hơn về cách tính thuế TNDN, Kế Toán Phía Nam xin chia sẻ đến bạn các dạng bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có đáp án chi tiết. Cùng theo dõi nhé!

Một số bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có lời giải
Một số bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có lời giải

Bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp – Mẫu số 1

Trong năm 2024, công ty ABC ghi nhận khoản lỗ 50 triệu đồng. Sang năm 2025, công ty ghi nhận các thông tin sau :

  • Doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ : 500 triệu đồng.
  • Doanh thu từ hoạt động tài chính : 6 triệu đồng.
  • Thu nhập khác (tiền phạt thu được do khách hàng vi phạm hợp đồng) : 10 triệu đồng.
  • Chi phí giá vốn hàng bán : 200 triệu đồng.
  • Chi phí bán hàng hóa : 80 triệu đồng.
  • Chi phí quản lý doanh nghiệp : 90 triệu.
  • Chi phí tài chính (Chi phí lãi vay) : 5 triệu đồng.
  • Chi phí khác : 10 triệu đồng, trong đó có:
    • Tiền phạt chậm nộp thuế TNDN : 3,5 triệu đồng.
    • Tiền phạt do vi phạm hợp đồng với khách hàng : 6,5 triệu đồng.

Yêu cầu : Dựa vào các số liệu trên, hãy tính số thuế TNDN năm 2025 mà công ty ABC phải nộp vào Ngân sách Nhà nước, biết thuế suất thuế TNDN đang áp dụng là 20%.

Hướng dẫn giải chi tiết

Để tính số thuế TNDN phải nộp của công ty ABC trong năm 2025, ta thực hiện theo các bước sau :  

Bước 1 : Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập chịu thuế = (500+6) – (200 + 80 + 90 + 5 + 6,5) + 10 = 506 – 381,5 + 10 = 134,5 triệu đồng. (do tiền phạt chậm nộp thuế thuộc các chi phí không trừ khi tính thuế TNDN nên bị loại ra)

Bước 2 : Xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập tính thuế = 134,5- 50 = 84,5 triệu đồng.

Bước 3 : Tính số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của công ty ABC

Thuế TNDN phải nộp = 84,5 * 20% = 16,9 triệu đồng.

Kết luận : Số thuế TNDN mà công ty ABC phải nộp vào Ngân sách Nhà nước cho năm 2025 là 16,9 triệu đồng.

Bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp – Mẫu số 2 

Công ty TNHH Vạn An là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và đang kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Dưới đây là các số liệu tài chính của công ty trong năm 2025 (đơn vị tính : triệu đồng) :

(1) Tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh : 28.000 triệu đồng.

(2) Thu nhập từ hoạt động đầu tư : 1.500 triệu đồng.

(3) Các khoản chi phí :

  • Chi phí vật tư: 16.000 triệu đồng.
  • Chi phí trả lương: 3.800 triệu đồng.
  • Chi phí trích khấu hao: 1.200 triệu đồng.
  • Chi phí vay vốn: 900 triệu đồng.
  • Chi phí marketing: 700 triệu đồng.
  • Chi phí bị phạt do vi phạm hành chính: 200 triệu đồng.
  • Chi hỗ trợ cộng đồng: 300 triệu đồng (không hợp lệ).

(4) Các khoản thu nhập khác :

  • Lợi nhuận từ việc bán thiết bị cũ: 500 triệu đồng.
  • Tiền lãi từ hoạt động đầu tư cổ phiếu: 400 triệu đồng.

(5) Dữ liệu bổ sung :

  • Số lỗ kết chuyển từ năm 2024: 1.800 triệu đồng.
  • Thuế suất thuế TNDN : 20%.
  • Vốn chủ sở hữu: 15.000 triệu đồng.
  • Tổng số vốn vay: 20.000 triệu đồng.

Yêu cầu : Dựa vào các số liệu tài chính trên, hãy xác định số thuế TNDN phải nộp trong năm 2025 của công ty TNHH Vạn An.

Hướng dẫn giải chi tiết

Bước 1 : Xác định tổng doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN, bao gồm : 

  • Doanh thu từ hoạt động kinh doanh 28.000 triệu đồng.
  • Thu nhập từ hoạt động đầu tư : 1.500 triệu đồng.

=> Tổng doanh thu = 28.000 + 1.500 = 29.500 triệu đồng.

Bước 2 : Xác định các khoản chi phí hợp lệ và không hợp lệ

(1) Chi phí hợp lệ : 

  • Chi phí vật tư: 16.000 triệu đồng.
  • Chi phí trả lương: 3.800 triệu đồng.
  • Chi phí trích khấu hao: 1.200 triệu đồng.
  • Chi phí vay vốn: 900 triệu đồng.
  • Chi phí marketing: 700 triệu đồng.

(2) Chi phí không hợp lệ : 

  • Chi phí bị phạt do vi phạm hành chính: 200 triệu đồng.
  • Chi hỗ trợ cộng đồng: 300 triệu đồng.

=> Tổng chi phí được trừ = 16.000 + 3.800 + 1.200 + 900 + 700 = 22.600 triệu đồng.

Bước 3: Xác định thu nhập khác chịu thuế thu nhập doanh nghiệp : 

  • Lợi nhuận từ việc bán thiết bị cũ: 500 triệu đồng.
  • Tiền lãi từ hoạt động đầu tư cổ phiếu: 400 triệu đồng.

=> Thu nhập khác chịu thuế TNDN = 500 + 400 = 900 triệu đồng.

Bước 4: Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập chịu thuế TNDN được xác định theo công thức : Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác.

=> Thu nhập chịu thuế = 29.500 – 22.600 + 900 = 7.800 triệu đồng.

Bước 5: Xác định thu nhập tính thuế TNDN :

Thu nhập tính thuế được tính theo công thức thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – (Các khoản miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển).

=> Thu nhập tính thuế = 7.800 – 1.800 = 6.000 triệu đồng. 

Bước 6: Tính số thuế TNDN phải nộp của công ty Vạn An

Thuế TNDN = Thu nhập chịu thuế × Thuế suất TNDN

=> Thuế TNDN = 6.000 x 20% = 1.200 triệu đồng.

Kết luận : Số thuế thu nhập doanh nghiệp mà Công ty TNHH Vạn An cần nộp trong năm 2025 là 1.200 triệu đồng.

Bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp – Mẫu số 3

Công ty TNHH An Thịnh Phát là một doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Trong năm 2025, công ty có các số liệu tài chính  như sau (đơn vị tính : triệu đồng) :

  1. Doanh thu (chưa bao gồm thuế GTGT), trong đó :
  • Doanh thu từ hoạt động bán hàng trong nước : 30.000 triệu đồng.
  • Doanh thu xuất khẩu: 10.000 triệu đồng.
  • Doanh thu từ việc cho thuê tài sản: 2.000 triệu đồng.
  1. Các khoản chi phí bán sinh trong năm :
  • Tổng chi phí kê khai trong năm là 35.000 triệu đồng, bao gồm :
  • Chi phí khấu hao TSCĐ: 2.000 triệu đồng (được xác định là hợp lệ)
  • Chi phí lãi vay ngân hàng : 1.500 triệu đồng, lưu ý :
    • Vốn điều lệ: 10.000 triệu đồng.
    • Tổng vốn vay: 15.000 triệu đồng.
    • Lãi suất vay: 10%/năm.
    • Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là 7%/năm.
  • Chi phí tiếp khách: 300 triệu đồng (có hóa đơn, chứng từ hợp lệ).
  • Chi phí bị phạt vi phạm hành chính: 100 triệu đồng.
  • Chi ủng hộ quỹ từ thiện địa phương: 200 triệu đồng.
  1. Thu nhập khác :
  • Lãi tiền gửi ngân hàng: 500 triệu đồng.
  • Thu nhập từ việc thanh lý TSCĐ: 300 triệu đồng.
  1. Thông tin bổ sung :
  • Số lỗ kết chuyển từ năm 2024: 1.000 triệu đồng
  • Thuế suất TNDN hiện hành: 20%.

Yêu cầu: Xác định số thuế TNDN phải nộp của công ty An Thịnh Phát trong năm 2025.

Hướng dẫn giải chi tiết

Bước 1 : Xác định tổng doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN

=> Tổng doanh thu = 30.000 + 10.000 + 2.000 = 42.000 triệu đồng.

Bước 2 : Xác định chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN

(1) Chi phí được trừ : 

  • Chi phí khấu hao TSCĐ: 2.000 triệu đồng (hợp lệ).
  • Chi phí tiếp khách: 300 triệu đồng (có hóa đơn, chứng từ hợp lệ).
  • Chi phí lãi vay : 1.500 triệu đồng.

Lưu ý, chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Lãi suất cơ bản do NHNN công bố là 7%/năm nên mức lãi suất tối đa được trừ là 10,5% (7,5% x 150%), trong khi lãi suất vay của công ty là 10%/năm nên chi phí lãi vay được trừ toàn bộ.

(2) Chi phí không được trừ :

  • Chi ủng hộ quỹ từ thiện địa phương: 200 triệu đồng.
  • Chi phí bị phạt vi phạm hành chính: 100 triệu đồng.

=> Tổng chi phí không được trừ = 200 + 100 = 300 triệu đồng.

=> Tổng chi phí hợp lý được trừ = 35.000 – 300 = 34.700 triệu đồng.

➤ Có thể bạn quan tâm : 37 khoản chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN cần lưu ý

Bước 3: Xác định thu nhập khác chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Các khoản thu nhập khác không thuộc lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính nhưng vẫn chịu thuế TNDN bao gồm :

  • Thu nhập từ việc thanh lý TSCĐ: 300 triệu đồng
  • Lãi tiền gửi ngân hàng: 500 triệu đồng.

=> Tổng thu nhập khác = 300 + 500 = 800 triệu đồng.

Bước 4: Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập chịu thuế = 42.000 − 34.700 + 800 = 8.100 triệu đồng.

Bước 5: Xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thu nhập miễn thuế TNDN: 0 triệu đồng.

Lỗ kết chuyển từ năm 2024: 1.000 triệu đồng.

Thu nhập tính thuế = 8.100 − 0 − 1.000 = 7.100 triệu đồng.

Bước 6: Tính số thuế TNDN phải nộp của công ty An Thịnh Phát

Thuế TNDN phải nộp = 7.100 × 20% = 1.420 triệu đồng

Kết luận : Số thuế TNDN mà công ty An Thịnh Phát phải nộp trong năm 2025 là 1.420 triệu đồng.

Một vài lưu ý khi làm bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp

Các bài tập về thuế thu nhập doanh nghiệp thường khá phức tạp do các quy định và các trường hợp đặc thù. Để đảm bảo tính chính xác và tránh những sai sót không đáng có, hãy cùng tìm hiểu những lưu ý khi làm bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp này nhé!

Một vài lưu ý khi làm bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp
Một vài lưu ý khi làm bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp

(1) Công thức tính thuế TNDN

Khi tính thuế TNDN, bạn cần phân tích kỹ và phân loại từng khoản thu nhập, chi phí theo đúng quy định của pháp luật và ghi chú nếu có bất kỳ thông tin nào còn thiếu để tránh sai sót.

(2) Xác định doanh thu

Doanh thu tính thuế cần được xác định dựa trên các khoản thu từ hoạt động kinh doanh chính theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 78/2014/TT-BTC. Đặc biệt, cần lưu ý Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này để điều chỉnh doanh thu phù hợp đối với các trường hợp đặc biệt.

(3) Chi phí được trừ

Các khoản chi được trừ được quy định tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC cùng các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan. Đây là một trong những phần trọng yếu và ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế phải nộp của doanh nghiệp, trong đó:

a) Khấu hao :

  • Đối với ô tô dưới 9 chỗ có giá trị trên 1,6 tỷ đồng : Phần khấu hao vượt mức không được tính vào chi phí hợp lệ.
  • Đối với tài sản phục vụ phúc lợi (như nhà trẻ, thư viện, khu thể thao) được phép tính vào chi phí hợp lệ nhưng thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.
  • Đối với tài sản đã hết khấu hao hoặc khấu hao khấu hao nhanh vượt quá 2 lần mức quy định hoặc gây ra lỗ thì phải loại bỏ khi tính thuế TNDN.
  • Trường hợp đặc biệt, nếu doanh nghiệp thuê đất theo thời hạn nhất định (ví dụ: 3 năm) nhưng thời gian đăng ký khấu hao nhà hưởng trên đất dài hơn (ví dụ: 10 năm) thì chi phí khấu hao sẽ không được tính vào chi phí hợp lệ khi hợp đồng thuê đất hết hạn.

b) Chi phí tổn thất : Nếu các khoản tổn thất không được bồi thường thì tính vào chi phí được trừ. Ngược lại, trường hợp được bồi thường, phần chi phí này sẽ được điều chỉnh bằng cách khấu trừ phần giá trị bồi thường nhận được.

c) Chi phí mua hàng hóa không có hóa đơn và lập bảng kê (01/TNDN) : Chỉ được tính vào chi phí hợp lệ nếu mua hàng hóa trực tiếp từ cá nhân sản xuất mà không qua trung gian hoặc tổ chức khác.

d) Tiền lương, phụ cấp :

  • Chỉ được tính các khoản chi tiền lương chi trả thực tế đến ngày nộp quyết toán thuế TNDN (31/03), phần chưa chi trả phải loại ra.
  • Tiền lương của giám đốc công ty TNHH 1 thành viên, chủ DNTN, thành viên công ty không trực tiếp điều hành,… không được trừ.
  • Các chi phí công tác không vượt mức 2 lần quy định mà chỉ cần có hóa đơn, chứng từ hợp pháp để được tính là chi phí hợp lệ. Nếu khoán chi công tác phí thì phải có quy định trong quy chế tài chính của công ty (không bao gồm tiền ăn) (theo thông tư 96/2015/TT-BTC).
  • Phụ cấp ăn ca :
    • Doanh nghiệp có nhà ăn và tổ chức nấu ăn cho người lao động : Không bị khống chế.
    • Chi bằng tiền : Thuế TNDN không bị khống chế và thuế TNCN tính phần vượt quá quy định vào thu nhập chịu thuế.
  • Trang phục : Theo Thông tư 96, chi phí trang phục chi bằng tiền bị khống chế ở mức 5 triệu và chi bằng hiện vật không bị khống chế.

e) Dự phòng tiền lương : Tối đa 17% trên tổng số lương của kỳ đã chi trả cho người lao động tính đến hạn nộp quyết toán và không được trích gây lỗ.

f) Bảo hiểm:

Mức trích lập bảo hiểm đang áp dụng hiện nay là :

  • Công ty đóng 21,5% (trong đó BHXH 21,5%, BHYT 3%, BHTH 1%).
  • Người lao động đóng 10,5% (trong đó BHXH 8%, BHYT 1,5%, BHTH 1%).
  • Kinh phí công đoàn : công ty đóng mức 2% và người lao động không cần phải đóng.

Nếu bảo hiểm tự nguyện (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện) chưa đóng đủ thì sẽ không được tính vào chi phí hợp lệ. Mức đóng chi phí bảo hiểm tự nguyện khống chế ở mức tối đa 1 triệu đồng/tháng/người.

g) Chi phí marketing : Bỏ mức giới hạn 15% trên tổng chi phí (theo thông tư 96).

h) Lãi tiền vay :

  • Lãi vay từ cá nhân/ tổ chức không kinh doanh không được vượt quá 1,5 lần mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước : Loại bỏ phần vượt.
  • Lãi vay tương ứng với phần vốn điều lệ chưa góp đủ cũng phải loại ra, được tính như sau :
    • Nếu vay 1 món : Dựa trên lãi suất của chính khoản vay đó.
    • Nếu vay nhiều món cùng lúc : Tính tỷ lệ tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu.

i) Chi tài trợ:

Chỉ có 5 khoản chi hỗ trợ sau được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp :

  • Giáo dục (kê khai theo mẫu 03/TNDN).
  • Y tế (kê khai theo mẫu 04/TNDN).
  • Khắc phục thiên tai (kê khai theo mẫu 05/TNDN).
  • Nhà tình nghĩa (kê khai theo mẫu 06/TNDN).
  • Nghiên cứu khoa học nhưng phải theo chương trình của nhà nước (kê khai theo mẫu 07/TNDN).

(4) Thu nhập khác

Thu nhập khác chịu thuế TNDN được quy định cụ thể tại Điều 7 của Thông tư 78/2014/TT-BTC, nhưng cần lưu ý một số khoản thu nhập sau:

  • Thu nhập từ nước ngoài : Chỉ tính khi chuyển tiền về Việt Nam và cộng thêm phần thuế đã nộp ở nước ngoài.
  • Thu nhập được chia từ hoạt động liên doanh (kể cả đã nộp thuế hay chưa nộp thuế).
  • Thu nhập từ việc thanh lý TSCĐ của công ty.

(5) Thu nhập miễn thuế

Thu nhập miễn thuế TNDN được quy định tại điều 5 của Thông tư 78/2014/TT-BTC. Khoản thu nhập miễn thuế phải được kiểm tra xem đã ghi nhận trong doanh thu hoặc thu nhập khác chưa. Nếu chưa, phải bổ sung vào để xác định thu nhập chịu thuế và số thuế phải nộp của doanh nghiệp.

Như vậy, Kế Toán Phía Nam đã hướng dẫn cách giải bài tập thuế thu nhập doanh nghiệp có đáp án cùng một vài lưu ý quan trọng. Việc luyện tập thường xuyên và ứng dụng kiến thức đã học vào công việc thực tế sẽ giúp bạn nâng cao khả năng phân tích và xử lý vấn đề đồng thời chủ động hơn trong công việc kế toán thuế tại doanh nghiệp. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ ngay đến HOTLINE 0907 958 871 để được tư vấn và giải đáp kịp thời!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *