Thuế giá trị gia tăng là sắc thuế gián thu phổ biến áp dụng trên phần lớn các loại hàng hóa và dịch vụ lưu thông trên thị trường. Để đảm bảo tuân thủ các quy định về kê khai và quyết toán thuế GTGT, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc xác định giá tính thuế GTGT. Hãy cùng Kế Toán Phía Nam tìm hiểu nguyên tắc, cách xác định và công thức giá tính thuế GTGT đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể.

Giá tính thuế GTGT là gì?
Giá tính thuế giá trị gia tăng được định nghĩa là giá bán của hàng hóa, dịch vụ được ghi trên hóa đơn bán hàng và cung cấp dịch vụ trước khi áp dụng thuế GTGT. Mỗi loại hàng hóa, dịch vụ sẽ có phương pháp xác định giá tính thuế GTGT khác nhau. Tuy nhiên, về nguyên tắc chung, giá tính thuế GTGT là giá bán chưa bao gồm thuế GTGT.
Các nguyên tắc xác định giá tính thuế GTGT
Tại sao phải xác định giá tính thuế giá trị gia tăng?
Bên cạnh các giao dịch mua bán hàng hóa thông thường, doanh nghiệp còn thực hiện nhiều hoạt động khác như nhập khẩu hàng hóa, xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội bộ, triển khai chương trình khuyến mại, chuyển nhượng bất động sản,… Việc xác định giá tính thuế GTGT cho những hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính minh bạch trong kê khai và nộp thuế cũng như kiểm soát chi phí hiệu quả hơn.

Các nguyên tắc để xác định giá tính thuế GTGT
(1) Giá tính thuế GTGT là giá bán hàng hóa, dịch vụ chưa bao gồm thuế GTGT đồng thời các khoản thuộc đối tượng không áp dụng thuế GTGT sẽ không được tính vào giá này.
(2) Giá tính thuế GTGT phải căn cứ vào giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm xuất bán và có đầy đủ giấy tờ, chứng từ và hóa đơn liên quan để đảm bảo tính minh bạch và chính xác của các loại hàng hóa, dịch vụ đó.
(3) Đối với các loại hàng hóa, dịch vụ, giá tính thuế GTGT bao gồm cả các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức kinh doanh được hưởng. Tuy nhiên, các khoản phụ thu mà cơ sở kinh doanh thu theo chế độ của nhà nước không tính vào doanh thu thì không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
➤ Xem thêm : Danh mục 26 đối tượng không áp dụng thuế GTGT
Các công thức giá tính thuế GTGT trong từng trường hợp cụ thể
Căn cứ theo Điều 7 của Luật Thuế Giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 và các điều 5,6,7,8,9,10,11,12,13 của Nghị định số 181/2025/NĐ-CP, giá tính thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể được xác định như sau :
(1) Đối với hàng hóa, dịch vụ do đơn vị kinh doanh bán ra
Giá tính thuế GTGT trong hàng hóa, dịch vụ do cơ sở tổ chức sản xuất, kinh doanh bán ra là giá chưa bao gồm thuế GTGT, cụ thể :
- Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), giá tính thuế là giá bán đã bao gồm thuế TTĐB nhưng chưa bao gồm thuế GTGT.
- Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), giá tính thuế là giá bán đã bao gồm thuế BVMT nhưng chưa bao gồm thuế GTGT.
- Đối với hàng hóa chịu cả thuế TTĐB và thuế BVMT thì giá tính thuế là giá bán đã bao gồm cả hai loại thuế này nhưng chưa bao gồm thuế GTGT.
(2) Đối với hàng hóa nhập khẩu
Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu là trị giá tính thuế GTGT hàng nhập khẩu theo các quy định hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Khoản trị giá tính thuế này sẽ được cộng thêm các loại thuế (nếu có) như thuế nhập khẩu bổ sung, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật :
- Đối với hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu, giá tính thuế GTGT là trị giá tính thuế nhập khẩu.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu được giảm thuế nhập khẩu, giá tính thuế được xác định bằng trị giá tính thuế nhập khẩu cộng với số thuế nhập khẩu phải nộp sau khi đã được giảm.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuếGTGT và được miễn thuế nhập khẩu nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng dẫn đến phát sinh số thuế nhập khẩu phải nộp thì phải nộp nộp bổ sung thuế GTGT trên số tiền thuế nhập khẩu phải nộp thêm.
(3) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ hoặc để biếu, tặng, cho
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ hoặc để biếu, tặng, cho, giá tính thuế GTGT là giá của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương trên thị trường vào thời điểm phát sinh các hoạt động này, bất kể hàng hóa, dịch vụ đó được mua từ bên ngoài hay do cơ sở kinh doanh (CSKD) tự sản xuất.
Đối với hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho mục đích khuyến mại theo Luật Thương mại, giá tính thuế được xác định là 0. Một số hình thức khuyến mại phổ biến có thể kể đến như cung cấp hàng hóa, dịch vụ là hàng mẫu để khách hàng trải nghiệm miễn phí, bán hàng hóa, dịch vụ với giá thấp hơn giá bán, bán hàng hóa, dịch vụ có kèm voucher giảm giá, vé trúng thưởng,…
(4) Hoạt động cho thuê tài sản
Giá tính thuế GTGT đối với hoạt động cho thuê tài sản như nhà, văn phòng, kho xưởng, bến bãi là số tiền cho thuê chưa bao gồm thuế GTGT. Nếu hợp đồng cho thuê quy định thanh toán định kỳ hoặc thanh toán trước cho toàn bộ thời hạn thuê, giá tính thuế sẽ là số tiền cho thuê thanh toán theo từng kỳ hoặc số tiền thanh toán trước cho toàn bộ thời hạn thuê và chưa bao gồm thuế GTGT.
(5) Đối với hàng hóa bán theo hình thức trả góp hoặc trả chậm
Đối với trường hợp này, giá tính thuế GTGT là giá tính theo giá bán trả một lần chưa bao gồm thuế GTGT của hàng hóa đó và không bao gồm các khoản lãi trả góp hoặc lãi trả chậm.
(6) Gia công hàng hóa
Giá tính thuế GTGT đối với hàng gia công là giá gia công chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
(7) Hoạt động xây dựng, lắp đặt
Trong trường hợp này, giá tính thuế GTGT là giá trị công trình, hạng mục công trình hoặc phần công việc đã bàn giao chưa có thuế GTGT. Trong trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu (tức là nhà thầu chỉ thực hiện phần thi công lắp đặt), giá tính thuế GTGT là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị của máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu do bên giao thầu cung cấp.

(8) Hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS)
Giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh BĐS được xác định là giá bán BĐS chưa bao gồm tiền thuế GTGT, trừ tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách nhà nước (giá đất được trừ). Các trường hợp cụ thể về giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh BĐS được quy định như sau:
a) Trong các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trả tiền một lần (dù qua đấu giá hay không), chuyển đổi mục đích sử dụng đất, công nhận hoặc điều chỉnh quyền sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, gia hạn sử dụng đất, hoặc chuyển từ thuê đất trả tiền hàng năm sang trả tiền một lần, giá đất được trừ để tính thuế GTGT chính là tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất trả một lần theo quy định của Chính phủ (chưa bao gồm tiền bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng về đất mà người sử dụng đất đã tạm ứng trước (nếu có)).
b) Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng BĐS là quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất đã nộp ngân sách nhà nước cho khu đất hoặc thửa đất được chuyển nhượng, không bao gồm giá trị của cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh vẫn được quyền khấu trừ thuế GTGT đầu vào liên quan đến chi phí cơ sở hạ tầng (nếu có).
c) Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn là quyền sử dụng đất từ các cá nhân, tổ chức thì giá tính thuế GTGT là tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất đã nộp vào ngân sách nhà nước.
d) Trường hợp cơ sở kinh doanh được thanh toán bằng quỹ đất khi thực hiện hợp đồng BT thì giá đất được trừ để tính thuế GTGT là giá trị quỹ đất được thanh toán theo quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
e) Trường hợp cơ sở kinh doanh xây dựng, xây dựng nhà để bán, kinh doanh cơ sở hạ tầng, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thực tế thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thanh toán đã ghi trong hợp đồng trừ giá đất được trừ ở các khoản trên (a,b,c,d) theo tỷ lệ % giữa số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.
f) Trường hợp cơ sở kinh doanh xây dựng và kinh doanh nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ, nhà chung cư, giá đất được trừ cho 1 m² nhà để bábn bằng giá đất được trừ theo các khoản trên (a,b,c,d) chia cho số m² sản xây dựng, không bao gồm diện tích dùng dung như hàng lang, cầu thang, tầng hầm và các công trình xây dựng dưới mặt đất.
g) Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng BĐS, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức quy định bên trên không xác định được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp ngân sách nhà nước thì giá tính thuế GTGT là giá chuyển nhượng chưa bao gồm thuế GTGT.
(9) Đối với hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hóa, dịch vụ để hưởng hoa hồng
Giá tính thuế GTGT trong trường hợp này là khoản tiền công, tiền hoa hồng thu được chưa bao gồm thuế GTGT từ hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hóa, dịch vụ hưởng hoa hồng, trừ trường hợp không tính thuế GTGT như sau :
- Doanh thu từ việc bán hàng hóa, dịch vụ theo hình thức đại lý bán đúng giá theo quy định của bên giao như bưu chính, viễn thông, bán vé (vé xổ số, vé máy bay, vé ô tô, vé tàu hỏa, vé tàu thủy), vận tải quốc tế, đại lý bán bảo hiểm, đại lý của các dịch vụ ngành hàng không, hàng hải được áp dụng mức thuế suất GTGT 10%.
- Doanh thu từ việc bán hàng hóa, dịch vụ và hoa hồng đại lý được hưởng từ hoạt động đại lý thuộc diện không chịu thuế GTGT.
(10) Đối với hàng hóa, dịch vụ sử dụng sử dụng hóa đơn thanh toán ghi giá thanh toán
Trong trường hợp hóa đơn thanh toán thể hiện giá bán đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, giá tính thuế GTGT sẽ được xác định theo công thức sau :
Giá chưa có thuế GTGT = Giá thanh toán / (1 + Thuế suất thuế GTGT (%))
(11) Đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, có đặt cược
a) Giá tính thuế GTGT đối với dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, có đặt cược là số tiền thu được từ các hoạt động này trừ số tiến hoàn trả cho khách chưa sử dụng hết và số tiền chi trả thưởng cho khách (nếu có). Trong đó, số tiền thu được là số tiền thu từ việc đổi đồng tiền quy ước cho người chơi tại quầy, tại bàn chơi và tiền thu được tại máy trò chơi điện tử có thưởng.
b) Đối với dịch vụ kinh doanh đặt cược là số tiền thu được từ việc bán vé đặt cược trừ số tiến đã trả cho khách hàng. Lưu ý các khoản thu được kể trên đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa tính thuế giá trị gia tăng.
(12) Đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
a) Đối với sản lượng điện từ các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế GTGT phải nộp tại địa phương nơi nhà máy thủy điện bằng 35% giá bản lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế GTGT theo quy định pháp luật về điện lực và giá cả.
b) Đối với sản lượng điện từ các công ty nhiệt điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế GTGT nộp tại địa phương nơi có nhà máy nhiệt điện là giá bán điện ghi trên hóa đơn theo hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện. Trường hợp chưa có hợp đồng mua bán điện áp cho từng nhà máy nhiệt điện thì giá tính thuế giá trị gia tăng là giá bán lẻ bình quân chưa bao gồm thuế GTGT theo quy định pháp luật về điện lực và giá cả.
c) Đối với điện do các công ty sản xuất điện (trừ thủy điện, nhiệt điện) hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế GTGT để xác định số thuế phải nộp tại địa phương nơi đặt nhà máy sản xuất điện là giá bán điện chưa có thuế GTGT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện cụ thể. Trường hợp chưa có giá bán điện do cơ quan nhà nước quy định thì giá tính thuế là giá bán lẻ điện bình quân chưa có thuế GTGT theo quy định của pháp luật về điện lực và giá cả.
(13) Đối với vận tải, bốc xếp
Giá tính thuế GTGT của hoạt động vận tải, bốc xếp hàng hóa là giá cước vận tải, bốc xếp chưa có thuế GTGT và không phân biệt cơ sở trực tiếp vận tải, bốc xếp hay thuê lại.

(14) Đối với dịch vụ du lịch lữ hành
Đối với các dịch vụ du lịch lữ hành theo hình thức hợp đồng trọn gói (bao gồm ăn uống, lưu trú và đi lại), giá trọn gói là giá đã bao gồm thuế GTGT. Công thức để xác định giá tính thuế trong trường hợp này như sau :
Giá tính thuế = Giá trọn gói / (1 + Thuế suất GTGT)
Trường hợp giá trọn gói bao gồm các khoản chi phí như vé máy bay vận chuyển khách du lịch từ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, chi phí ăn, nghỉ, thăm quan và một số phí khác phát sinh ở nước ngoài (nếu có chứng từ hợp pháp) thì các khoản thu từ khách hàng để chi trả cho các khoản trên sẽ được giảm trừ khỏi giá tính thuế GTGT. Đồng thời, thuế GTGT đầu vào phục vụ cho hoạt động du lịch trọn gói sẽ được khấu trừ toàn bộ.
(15) Đối với dịch vụ cầm đồ
Giá tính thuế giá trị gia găng của dịch vụ cầm đồ là số tiền thu được từ dịch vụ này chưa có thuế GTGT và đã bao gồm tiền lãi phải thu từ việc cho vay cầm đồ và các khoản thu khác phát sinh từ việc bán hàng cầm đồ (nếu có). Trong trường hợp tổng số tiền thu từ dịch vụ cầm đồ đã bao gồm thuế GTGT, giá tính thuế sẽ được xác định theo công thức sau:
Giá tính thuế = Số tiền phải thu / (1 + Thuế suất GTGT)
(16) Đối với hoạt động bán sách chịu thuế GTGT bán theo đúng giá phát hành (giá bìa)
Đối với các loại sách chịu thuế GTGT được bán đúng giá phát hành (giá bìa) theo quy định của Luật Xuất bản thì giá bán niêm yết trên bìa sách là giá đã có thuế GTGT. Trường hợp bán không theo giá bìa thì thuế GTGT được tính theo giá bán thực tế chưa có thuế GTGT.
(17) Đối với hoạt động in
Giá tính thuế GTGT của hoạt động in là tiền công in chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trong trường hợp cơ sở in thực hiện hoạt động in mà giá thanh toán bao gồm cả tiền công in, tiền giấy in thì giá tính thuế bao gồm cả tiền công tin, tiền giấy in và chưa có thuế giá trị gia tăng.
(18) Đối với dịch vụ đại lý
Đối với các dịch vụ đại lý (giám định, xét bồi thường, đòi người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100% hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng), giá tính thuế giá trị gia tăng là khoản tiền công hoặc hoa hổng chưa có thuế GTGT mà đại lý nhận được.
(19) Đối với dịch vụ viễn thông quốc tế
Đối với dịch vụ viễn thông quốc tế, giá tính thuế GTGT là giá cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế chưa có thuế GTGT. Trong trường hợp cơ sở kinh doanh phát sinh dịch vụ kết nối với mạng viễn thông nước ngoài, giá tính thuế sẽ được trừ các khoản thu của khách hàng dùng để thanh toán phí kết nối.
Doanh nghiệp có trách nhiệm tách riêng khoản phí kết nối này để xác định chính xác giá tính thuế GTGT. Nếu không thể tách riêng khoản phí này, giá tính thuế GTGT sẽ là toàn bộ giá trị hợp đồng chưa có VAT.
(20) Đối với dịch vụ do tổ chức nước ngoài, cá nhân ở nước ngoài cung cấp
Đối với dịch vụ do các các tổ chức, cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam (gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và không thuộc nhà cung cấp nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Thuế giá trị gia tăng 2024, giá tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa thuộc diện chịu thuế GTGT mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nhận được.
Khoản doanh thu thu này chưa trừ các khoản thuế phải nộp, kể cả các khoản phí do bên Việt Nam nộp thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có). Bộ Tài chính sẽ ban hành các quy định chi tiết về việc thực hiện Điều này.
Thời điểm xác định nghĩa vụ thuế GTGT
Căn cứ theo Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024 và các điều 15, 16 của Nghị định 81/2025/NĐ-CP, thời điểm xác định thuế GTGT được quy định như sau :
(1) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ
Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa là thời điểm chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua hoặc tại thời điểm hóa đơn được lập. Còn đối với dịch vụ, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc tại thời điểm hóa đơn được lập. Việc xác định thời điểm tính thuế GTGT đối với cả hàng hóa, dịch vụ đều không phân biệt đã thu được tiền hoặc chưa thu được tiền.
(2) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu
- Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ do bên bán tự xác định. Tuy nhiên, thời điểm này không được muộn hơn ngày làm việc kế tiếp kể từ ngày hàng hóa hoàn tất thủ tục thông quan theo quy định của pháp luật hải quan.
- Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm xác định thuế nhập khẩu theo quy định pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
(3) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng)
a) Đối với dịch vụ viễn thông phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sơ kinh doanh dịch vụ, thời điểm để xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm hoàn tất việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ theo điều khoản của hợp đồng kinh tế giữa các bên nhưng không vượt quá 2 tháng kể từ tháng cước phát sinh dịch vụ kết nối.
b) Đối với dịch vụ viễn thông được cung cấp theo chu kỳ, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm hoàn tất việc đối soát dữ liệu giữa các bên (trừ trường hợp nêu tại điểm a) nhưng thời điểm này không được muộn hơn ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước được sử dụng làm căn cứ để tính khối lượng dịch vụ cung cấp theo thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ với người mua.
c) Đối với dịch vụ viễn thông được cung cấp thông qua hình thức bán thẻ trả trước, thu phí hòa mạng, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng là thời điểm phát sinh giao dịch bán thẻ trả trước, thu cước phí hòa mạng.

(4) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hoạt động bán điện
a) Đối với hoạt động bán điện của các đơn vị phát điện trên thị trường điện, thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm về đối soát số liệu thanh toán giữa các đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và đơn vị mua điện hoặc hợp đồng mua bán điện đã được Bộ Công Thương hướng dẫn và phê duyệt. Tuy nhiên, thời điểm xác định thuế GTGT chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai và nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Riêng hoạt động bán điện của các công ty phát điện có ký cam kết bảo lãnh của Chính phủ về thời điểm thanh toán, thời điểm xác định thuế GTGT được căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ, hướng dẫn và phê duyệt của Bộ Công Thương và các hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa các bên.
b) Đối với hoạt động bán điện (trừ trường hợp đã nêu tại điểm a), thời điểm để xác định nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng là thời điểm hoàn tất việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng không được vượt quá ngày 07 của tháng tiếp theo tháng phát sinh việc cung cấp điện hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước dùng làm căn cứ để tính lượng điện đã cung cấp căn cứ theo thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp điện với người mua.
(5) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với cung cấp nước sạch
Thời điểm xác định nghĩa vụ thuế của hoạt động cung cấp nước sạch là khi hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, thời điểm đối soát dữ liệu này không được muộn hơn ngày 7 của tháng sau tháng phát sinh hoạt động cung cấp nước hoặc không quá 7 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước dùng làm căn cứ để tính toán lượng nước đã cung cấp theo thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp nước với bên mua.
(6) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng trong trường hợp này là thời điểm ghi nhận doanh thu bảo hiểm theo quy định pháp luật hiện hành về kinh doanh bảo hiểm.
(7) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh BĐS, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê được quy định như sau :
- Đối với trường hợp đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng : Là thời điểm hoàn tất chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho bên mua, không phụ thuộc vào việc đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với trường hợp chưa chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng đã thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng, thời điểm xác định thuế GTGT là ngày thu tiền hoặc theo thỏa thuận thanh toán được ghi trong hợp đồng.
(8) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt kể cả đóng tàu
Thời điểm xác định nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng là thời điểm nghiệm thu và bàn giao công trình, hạng mục công trình hoặc khối lượng xây dựng, lắp đặt đã hoàn thành hoặc phần công việc thực hiện bàn giao, không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đã thu được tiền từ khách hàng hay chưa.
(9) Thời điểm xác định thuế GTGT đối với hoạt động dầu khí
a) Đối với các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô, thời điểm xác định nghĩa vụ thuế GTGT của hoạt động bán dầu thô và các sản phẩm chế biến từ dầu thô (bao gồm cả hoạt động bao tiêu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ) được xác định là thời điểm bên mua và bên bán hoàn tất việc xác định giá bán chính thức và không phân biệt đã thu hoặc chưa thu được tiền.
b) Đối với hoạt động kinh doanh khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than được vận chuyển bằng đường ống dẫn khí đến người mua, thời điểm xác định thuế GTGT là khi bên mua và bên bán xác định khối lượng khí đã bàn giao theo tháng nhưng không được chậm hơn ngày cuối cùng của thời hạn kê khai và nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
Cách tính giá trước thuế và giá sau thuế GTGT
Hướng dẫn tính giá trước thuế (VAT ngược)
Công thức tính giá trước thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ được xác định như sau :
Giá trước thuế = Giá sau thuế / (1 + Thuế suất thuế GTGT (%))
Trong đó :
- Giá sau thuế là giá cuối cùng của hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các khoản thuế áp dụng.
- Thuế suất thuế GTGT là tỷ lệ phần trăm được áp dụng lên sản phẩm, dịch vụ tương ứng.
Ví dụ : Bạn mua một món đồ bất kỳ có giá sau thuế là 110.000 đồng và thuế suất 10%, khi đó giá trước thuế được tính như sau :
➞ Giá trị trước thuế = 110.000 / (1 + 0.1) = 100.000 đồng.
Hướng dẫn tính giá sau thuế (VAT xuôi)
Để xác định giá sau thuế từ giá trước thuế, bạn có thể áp dụng theo công thức sau :
- Tiền thuế GTGT phải nộp = Giá trước thuế x Thuế suất thuế GTGT.
- Giá sau thuế = Giá trước thuế + Tiền thuế GTGT phải nộp.
Trong đó :
- Giá trước thuế là giá của hàng hóa, dịch vụ chưa bao gồm thuế GTGT (thuế VAT).
Ví dụ : Một sản phẩm có giá trước thuế là 1100.000 đồng và thuế suất thuế GTGT 10% thì giá sau thuế sẽ được tính như sau:
➞ Giá sau thuế = 100.000 + (100.000 × 0.1) = 100.000 + 10.000 = 110.000 đồng.
Lưu ý, công thức này chỉ được áp dụng khi thuế GTGT (VAT) được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị sản phẩm hoặc dịch vụ.
Kế Toán Phía Nam hy vọng qua bài viết này bạn sẽ nắm rõ các quy định liên quan đến nguyên tắc, cách xác định và công thức giá tính thuế GTGT của một số loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến. Nếu cần hỗ trợ tra cứu các quy định về thuế GTGT cũng như công tác kế toán thuế, vui lòng liên hệ qua Hotline 0907 958 871 của chúng tôi để được tư vấn nhiệt tình và tận tâm.
Tôi là Nguyễn Văn Thanh – CEO tại Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn và Kê khai thuế Phía Nam. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán – thuế, kiểm toán và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, tôi muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được của mình nhằm mang lại giá trị cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.