Xác định kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào?

Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những mốc thời gian quan trọng đối với các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Việc nắm rõ kỳ tính thuế giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý chi phí hiệu quả. Cùng Kế Toán Phía Nam tìm hiểu cách xác định kỳ tính thuế TNDN cùng những lưu ý quan trọng trong bài viết sau.

Kỳ tính thuế là gì?

Căn cứ theo khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý thuế 2019, kỳ tính thuế được hiểu là khoản thời gian làm căn cứ để xác định số tiền thuế mà các cá nhân, tổ chức có trách nghiệm kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước. Việc áp dụng kỳ tính thuế có thể được linh hoạt theo tháng, quý, năm hoặc theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế.

Kỳ tính thuế là gì?
Kỳ tính thuế là gì?

Hướng dẫn cách xác định kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thông thường, kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch, tức là từ ngày 01/01 – ngày 31/12 hàng năm. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng năm tài chính khác với năm dương lịch, kỳ tính thuế sẽ được xác định theo năm tài chính mà doanh nghiệp đã đăng ký.

Doanh nghiệp có thể lựa chọn kỳ tính thuế vào thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp lần đầu tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông tin về kỳ tính thuế TNDN sẽ được ghi rõ trong tại mục “Thông tin đăng ký thuế” trong Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp.

➤ Tham khảo thêm : Quy định của pháp luật về thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Các lưu ý quan trọng về kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Việc xác định chính xác kỳ tính thuế đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tuân thủ đầy đủ và kịp thời của doanh nghiệp đối với các quy định pháp luật hiện hành về thuế. Hãy cùng điểm qua một vài lưu ý quan trọng về kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp ngay bên dưới !

Các lưu ý quan trọng về kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Các lưu ý quan trọng về kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

➤ Trường hợp 1 :

Đối với kỳ tính thuế theo năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập (kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư) hoặc kỳ tính thuế theo năm cuối cùng của doanh nghiệp chuyển đổi loại hình, chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể hoặc phá sản.

Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải phù hợp với kỳ kế toán theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với kỳ tính thuế năm đầu tiên hoặc năm cuối cùng có thời gian dưới 3 tháng thì :

(1) Kỳ tính thuế năm đầu tiên của doanh nghiệp mới thành lập dưới 3 tháng có thể chọn gộp kỳ tính thuế này vào kỳ tính thuế của năm tiếp theo.

(2) Kỳ tính thuế năm cuối cùng của doanh nghiệp giải thể, sáp nhập, chia tách dưới 3 tháng có thể chọn gộp kỳ tính thuế này vào kỳ tính thuế của năm trước đó.

Lưu ý tổng thời gian của 2 kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên không được vượt quá 15 tháng.

➤ Trường hợp 2 :

Đối với doanh nghiệp muốn chuyển đổi kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (trường hợp chuyển đổi từ năm dương lịch sang năm tài chính và ngược lại), thì doanh nghiệp sẽ xử lý như sau :

(1) Làm thủ tục thông báo điều chỉnh nội dung đăng ký thuế đến Cơ quan đăng ký kinh doanh đồng thời đảm bảo kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm chuyển đổi không được vượt quá 12 tháng.

(2) Nếu doanh nghiệp trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thay đổi kỳ tính thuế, doanh nghiệp có thể lựa chọn hưởng ưu đãi trong kỳ tính thuế TNDN trong năm chuyển đổi hoặc không hưởng ưu đãi trong năm chuyển đổi mà kéo dài thời gian ưu đãi sang các kỳ tính thuế tiếp theo.

Ví dụ : Năm 2023, doanh nghiệp A áp dụng kỳ tính thuế dương lịch và muốn chuyển sang kỳ tính thuế theo năm tài chính (01/07 – 30/06 năm sau). Hiện nay, doanh nghiệp này đang được miễn thuế trong năm 2022 và được miễn 50% số thuế cho 4 năm tiếp theo. Khi chuyển đổi kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể lựa chọn :

  1. Hưởng ưu đãi cho kỳ tính thuế chuyển đổi (6 tháng đầu 2023) và miễn giảm 50% cho đến hết năm tài chính 2026.
  2. Không hưởng ưu đãi cho kỳ tính thuế chuyển đổi nhưng thời gian hưởng ưu đãi sẽ kéo dài cho đến hết năm tài chính 2027.

Hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế có kỳ tính thuế năm

Hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế có kỳ tính thuế năm

Theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019, hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế có kỳ tính thuế năm bao gồm :

  • Hồ sơ khai thuế năm bao gồm tờ khai thuế và các tài liệu liên quan đến số thuế phải nộp.
  • Hồ sơ quyết toán thuế năm bao gồm tờ khai quyết toán thuế, BCTC, tờ khai giao dịch liên kết (nếu có) và các tài liệu liên quan đến quyết toán thuế.
Hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế có kỳ tính thuế năm
Hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế có kỳ tính thuế năm

Việc chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ nêu trên sẽ giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp đồng thời tránh rủi ro về mặt pháp lý.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế có kỳ tính thuế năm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Quản lý thuế năm 2019 về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với các loại thuế có kỳ tính thuế năm, cụ thể :

  • Thời hạn nộp hồ sơ đối với kỳ khai thuế định kỳ : 
    • Kỳ khai thuế theo tháng : Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
    • Kỳ khai thuế theo quý : Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo  quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Thời hạn nộp hồ sơ đối với quyết toán thuế năm :
    • Thuế TNDN : Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính của doanh nghiệp.
    • Thuế TNCN : Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 khi kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với cá nhân ủy quyền cho doanh nghiệp hoặc ngày cuối cùng của tháng thứ 4 đối với cá nhân tự quyết toán thuế.
  • Thời hạn khai thuế cho từng lần phát sinh là trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Thời hạn khai thuế khoán đối với hộ kinh doanh, cá nhân nộp theo phương pháp khoán :
    • Đối với hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động liên tục chậm nhất là trước ngày 15/12 của năm liền kề trước năm tính thuế.
    • Đối với hộ kinh doanh, cá nhân mới kinh doanh là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động.

Ngoài ra, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời gian nộp thuế và thời gian xử lý hồ sơ sẽ được áp dụng theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định số 91/2022/NĐ-CP. Trong trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn trùng với ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ theo luật định thì thời hạn sẽ được chuyển sang ngày làm việc kế tiếp.

Một số câu hỏi thường gặp kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Doanh nghiệp mới thành lập dưới 3 tháng có phải nộp hồ sơ khai thuế riêng cho kỳ đó không?

Không bắt buộc. Doanh nghiệp có thể lựa chọn gộp kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (dưới 3 tháng) vào kỳ tính thuế của năm tiếp theo, nhưng tổng thời gian không vượt quá 15 tháng.

Nếu thời hạn nộp hồ sơ trùng với ngày nghỉ lễ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì sao?

Trường hợp ngày cuối cùng thời hạn nộp hồ sơ trùng với ngày nghỉ lễ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ theo quy định thì thời hạn sẽ được tự động gia hạn sang ngày làm việc tiếp theo.

Có những loại kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp nào tại Việt Nam?

Hiện nay, có hai loại kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp chính ở Việt Nam là theo năm (năm dương lịch hoặc năm tài chính) áp dụng cho hầu hết các loại doanh nghiệp và kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đặc biệt cho một số trường hợp doanh nghiệp nước ngoài.

Bài viết này đã cung cấp thông tin chi tiết về kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như thời hạn nộp hồ sơ kê khai các loại thuế theo năm. Nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật về thuế và hạn chế tối đa những sai sót có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, liên hệ ngay với Kế Toán Phía Nam qua số Hotline 0907 958 871 để được hỗ trợ kiểm tra, rà soát và hoàn thiện hồ sơ thuế!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *