Quy định về cách đặt tên hộ kinh doanh cá thể (Có ví dụ)

Khi đăng ký kinh doanh, mỗi hộ kinh doanh cần phải có địa điểm kinh doanh và tên riêng của hộ kinh doanh. Tên hộ kinh doanh không chỉ đóng vai trò nhận diện thương hiệu mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật hiện hành. Vậy tên hộ kinh doanh là gì và tên hộ kinh doanh đặt như thế nào đặt như thế nào là đúng quy định? Cùng Kế Toán Phía Nam tìm hiểu trong nội dung sau đây!

Quy định về cách đặt tên hộ kinh doanh cá thể
Quy định về cách đặt tên hộ kinh doanh cá thể

Tên hộ kinh doanh là gì?

Tên hộ kinh doanh là tên gọi chính thức và hợp pháp của một đơn vị sản xuất, kinh doanh do cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tên gọi này đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện và phân biệt hộ kinh doanh đó với các đơn vị kinh doanh khác. Như vậy, hộ kinh doanh bắt buộc phải có tên riêng khi đăng ký thành lập và phải được đặt theo đúng quy định pháp luật.

Các quy định về cách đặt tên cho hộ kinh doanh cá thể

Căn cứ theo Điều 86 Nghị định 168/2025/NĐ-CP quy định về đặt tên hộ kinh doanh cá thể, cụ thể như sau:

Điều 86 của Nghị định số 168/2025/NĐ-CP về cách đặt tên hộ kinh doanh
Điều 86 của Nghị định số 168/2025/NĐ-CP về cách đặt tên hộ kinh doanh

Cấu trúc tên hộ kinh doanh

Tên hộ kinh doanh phải có cụm từ “Hộ kinh doanh” và tên riêng của hộ kinh doanh. Lưu ý tên riêng của hộ kinh doanh chỉ bao gồm các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu khác.

  • Ví dụ : Hộ kinh doanh Phương Duy Cafe, Hộ kinh doanh Nội thất Decor Now.

Các từ ngữ bị cấm khi đặt tên hộ kinh doanh

(1) Không được đặt tên hộ kinh doanh có chứa các cụm từ “công ty”, “tổng công ty”, “doanh nghiệp”, “tập đoàn”.

(2) Không được sử dụng những từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam để đặt tên hộ kinh doanh. 

  • Ví dụ về tên hộ kinh doanh không hợp lệ : Hộ kinh doanh Công ty Xây dựng Nhà ở XYZ (Sai vì không đặt tên chứa từ “công ty”).

Quy định về tên trùng, tên riêng và tên viết tắt của hộ cá thể

(1) Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ của tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh khác để cấu thành tên riêng của mình (trừ khi có văn bản chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đó).

  • Ví dụ : Nếu “FPT Shop” là thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ, bạn không thể đặt tên hộ kinh doanh của mình là “Hộ kinh doanh FPT Shop” nếu không được FPT đồng ý.
Điều 86 của Nghị định số 168/2025/NĐ-CP về cách đặt tên hộ kinh doanh
Điều 86 của Nghị định số 168/2025/NĐ-CP về cách đặt tên hộ kinh doanh

(2) Tên tiếng Việt của hộ kinh doanh không được trùng với tên tiếng Việt của các hộ kinh doanh khác đã đăng ký trong cùng phạm vi cấp xã, trừ những hộ kinh doanh đã chấm dứt hoạt động. Một tên được coi là trùng khi phần tên tiếng Việt được viết hoàn toàn giống nhau, không phân biệt chữ hoa hay chữ thường.

  • Ví dụ : Nếu trên địa bàn xã đã có hộ kinh doanh đang hoạt động với tên “Hộ kinh doanh Đồ gốm Thổ Cẩm” thì các hộ kinh doanh khác trong cùng xã không được phép đăng ký với tên “Hộ kinh doanh Đồ gốm Thổ Cẩm”.

(3) Hộ kinh doanh có thể đăng ký bổ sung tên bằng tiếng nước ngoài hoặc tên viết tắt (nếu có). Tên tiếng nước ngoài của hộ kinh doanh phải được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong các ngôn ngữ sử dụng hệ chữ cái La-tinh. Trong quá trình dịch, phần tên riêng của hộ kinh doanh có thể được giữ nguyên hoặc chuyển ngữ theo nghĩa tương ứng. Còn tên viết tắt của hộ kinh doanh có thể viết từ tên tiếng Việt hoặc từ tên tiếng nước ngoài đã đăng ký.

Ví dụ:

  • Tên tiếng Việt : Hộ kinh doanh Vải Sợi Thiên An.
  • Tên tiếng nước ngoài : “Thien An Fabric Household Business” (dịch từ tên tiếng Việt).
  • Tên viết tắt : “HKD Thiên An”.

Một số gợi ý về cách đặt tên hộ kinh doanh cá thể

Sau khi đã hiểu rõ các quy định đặt tên hộ kinh doanh, Kế Toán Phía Nam sẽ giới thiệu đến bạn một số cách đặt tên cho hộ kinh doanh cá thể đúng quy định và mang lại nhiều may mắn.

Một số gợi ý về cách đặt tên hộ kinh doanh cá thể
Một số gợi ý về cách đặt tên hộ kinh doanh cá thể

Đặt tên hộ kinh doanh cá thể theo Thần số học

Thần số học là một lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về ý nghĩa của các con số và sự ảnh hưởng của chúng đến đời sống con người. Trong thần số học, con số chủ đạo (hay bản mệnh) tính theo ngày sinh và được cho là có tác động sâu sắc đến tính cách và vận mệnh của con người.

  • Ví dụ : Chủ hộ kinh doanh sinh ngày 27/05/2002 thì con số may mắn là 9 (2+7+0+5+2+0+0+2=18, 1+8=9). Theo đó, hộ kinh doanh có thể là “Hộ kinh doanh 9999”, “Hộ kinh doanh Nhân ái” (do số 9 trong Thần số học mang ý nghĩa hoàn hảo, nhân ái),…

Cách đặt tên hộ kinh doanh cá thể theo bản mệnh   

Theo quan niệm phong thủy, bản mệnh (hay cung mệnh) dùng để chỉ mệnh của mỗi người được xác định dựa vào năm sinh theo lịch Âm. Nó được gắn liền với một trong Ngũ Hành bao gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ.

  • Một số gợi ý đặt tên hộ kinh doanh theo yếu tố Kim trong ngũ hành như tên hộ kinh doanh + các từ mang ý nghĩa bền bỉ, chắc chắn như Trường Phát, Ánh Kim, Kim Bảo,…
  • Ví dụ về cách đặt tên cho hộ kinh doanh theo mệnh Mộc kết hợp tên hộ kinh doanh với các từ mang ý nghĩa tăng trưởng, phát triển, tươi mới như An Mộc, Bách Lâm, Thanh Trúc.
  • Kết hợp tên hộ kinh doanh với các từ mang ý nghĩa liên quan đến nước, thịnh vượng hoặc những đặc tính của mệnh Thủy như Thái Bình, Lam Giang, Thanh Hải,…
  • ệnh Hỏa biểu thị cho sự sôi nổi, nhiệt huyết và năng lượng. Chính vì vậy, hộ kinh doanh có thể đặt tên với các từ ngữ mang ý nghĩa tượng trưng cho hành Hỏa như Hồng Phát, Hỏa Long, Rạng Đông,…
  • Để đặt tên hộ kinh doanh hợp phong thủy với người mệnh Thổ, bạn có thể kết hợp tên riêng của chủ hộ hoặc gắn tên chủ hộ với các từ ngữ mang ý nghĩa tượng trưng cho sự ổn định, bền  vững như Điền Phát, Thái Sơn, An Tâm,…

Các lưu ý khi đặt tên cho hộ kinh doanh cá thể

Để đăng ký và thành lập hộ kinh doanh cá thể hợp thể, người đăng ký cần phải nắm vững các quy định pháp luật liên quan. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng nhằm đảm bảo việc đặt tên hộ kinh doanh phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam : 

Các lưu ý khi đặt tên cho hộ kinh doanh cá thể
Các lưu ý khi đặt tên cho hộ kinh doanh cá thể
  • Ưu tiên những tên ngắn gọn, dễ nhớ và dễ phát âm để khách hàng dễ dàng nhận diện và ghi nhớ.
  • Tên gọi nên có sự liên quan hoặc gợi mở về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của hộ kinh doanh.
  • Có thể đặt tên hộ kinh doanh theo các địa danh nổi bật có liên quan đến các mặt hàng đặc trưng của địa phương.
  • Sử dụng các tính từ phổ biến để tạo ấn tượng và sự khác biệt cho tên gọi.
  • Có thể kết hợp với các từ ngữ nước ngoài thông dụng như shop, spa, fashion để tăng tính hiện đại và thu hút.
  • Không đặt tên hộ kinh doanh trùng với các thương hiệu hoặc hộ kinh doanh khác, đặc biệt là trong cùng khu vực. 

Vì vậy, khi quyết định đặt tên cho hộ kinh doanh, người đăng ký cần ưu tiên sự sáng tạo, dễ ghi nhớ và phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của mình đồng thời phải tuân thủ những quy định pháp luật để đảm bảo hợp pháp và tránh rủi ro không cần thiết.

Các câu hỏi thường gặp về đặt tên hộ kinh doanh

Tên hộ kinh doanh có được phép trùng nhau không?

Không, tên gọi của hộ kinh doanh không được trùng với tên của hộ kinh doanh khác đã đăng ký trong cùng một xã. Tuy nhiên, hộ kinh doanh đó đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc đã ngừng hoạt động thì có thể tiến hành đăng ký lại theo quy định của pháp luật.

Tên cửa hàng và tên đăng ký hộ kinh doanh có bắt buộc giống nhau không?

Không, tên cửa hàng và tên đăng ký hộ kinh doanh không nhất thiết phải giống nhau. Tên cửa hàng là tên mà chủ hộ kinh doanh tự đặt để xây dựng thương hiệu, trong khi tên đăng ký của hộ kinh doanh là tên chính thức trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.

  • Ví dụ : Một cửa hàng có thể được biết đến với tên “Tiệm Bánh An Bình”, nhưng tên đăng ký chính thức của hộ kinh doanh vẫn phải là “Hộ kinh doanh An Bình”.

Hộ kinh doanh có được thay đổi tên đã đăng ký không?

Có, hộ kinh doanh có quyền thay đổi tên đã đăng ký trước đó. Thủ tục thay đổi tên hộ kinh doanh phải được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã nơi hộ kinh doanh hoạt động (Điều 100 Nghị định 168/2025/NĐ-CP).

Hộ kinh doanh có bắt buộc phải treo biển hiệu tại trụ sở không?

Hiện nay, pháp luật không bắt buộc hộ kinh doanh phải treo biển hiệu tại trụ sở chính. Do đó, hộ kinh doanh không phải treo biển tại trụ sở giống như các công ty và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu quảng bá hoặc nhận diện thương hiệu, hộ kinh doanh có thể treo biển hiệu theo các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Trên đây là những thông tin mà Kế Toán Phía Nam muốn chia sẻ đến bạn về quy định đặt tên hộ kinh doanh cá thể. Việc tuân thủ các quy định này sẽ giúp các các nhân có ý định thành lập hộ kinh doanh đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục hành chính liên quan đồng thời giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *