Giải thể doanh nghiệp là một quyết định quan trọng của doanh nghiệp khi phải đối mặt với những khó khăn lớn trong kinh doanh hoặc tuân thủ theo yêu cầu của nhà nước. Vậy các trường hợp và điều kiện pháp lý nào quy định về giải thể doanh nghiệp? Cùng Kế Toán Phía Nam tìm hiểu chi tiết các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp trong bài viết sau đây !
Giải thể doanh nghiệp là gì?
Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục pháp lý nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Khi tiến hành thủ tục giải thể đòi hỏi doanh nghiệp phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản, giải quyết các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác đồng thời thực hiện các thủ tục để xóa tên khỏi Sổ đăng ký doanh nghiệp.

Sau khi hoàn tất các thủ tục giải thể, doanh nghiệp đó sẽ không còn tư cách pháp nhân và không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào khác.
Tổng hợp các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp cần biết
Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp đã được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 207 của Luật Doanh nghiệp 2020. Trong đó, các trường hợp giải thể doanh nghiệp được chia theo hai trường hợp chính là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc.
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp theo hình thức tự nguyện
Giải thể tự nguyện là trường hợp doanh nghiệp giải thể hay chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh dựa trên quyết định và ý chí của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Theo quyết định từ chủ sở hữu doanh nghiệp
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 207 của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có thể tự nguyện giải thể nếu có quyết định giải thể doanh nghiệp được thông qua bởi :
- Quyết định của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.
- Quyết định của Hội đồng thành viên/ tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
- Quyết định của chủ sở hữu đối với công ty TNHH 1 thành viên hoặc Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.
Quyết định giải thể doanh nghiệp này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do tình hình kinh doanh không hiệu quả (lợi nhuận thấp, thua lỗ,…), xung đột nội bộ, không còn nhu cầu tiếp tục hoạt động hoặc các yếu tố khác. Do đó, chủ sở hữu có thể tự nguyện giải thể doanh nghiệp nhằm mục đích thu hồi vốn hoặc chuyển sang các cơ hội kinh doanh khác.
➤ Có thể bạn quan tâm : Dịch vụ giải thể công ty trọn gói giá rẻ

Hết thời hạn hoạt động kinh doanh theo Điều lệ nhưng không gia hạn
Trong trường hợp kết thúc thời hạn hoạt động đã được quy định trong Điều lệ công ty, nếu các thành viên không có nhu cầu gia hạn thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định. Thời hạn hoạt động của doanh nghiệp có thể do sự thỏa thuận của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập hoặc do cơ quan nhà nước quyết định.

Các trường hợp giải thể doanh nghiệp theo hình thức bắt buộc
Giải thể bắt buộc là trường hợp doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động theo quyết định của nhà nước do có các hành vi không tuân thủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh.
Không đảm bảo số lượng thành viên tối thiểu theo quy định
Một trong những trường hợp doanh nghiệp giải thể là khi số lượng thành viên hoặc cổ đông giảm xuống dưới mức tối thiểu theo pháp luật quy định cho từng loại hình doanh nghiệp. Cụ thể :
- Số lượng cổ đông tối thiểu của công ty cổ phần là 03 (theo Điểm b Khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Số lượng thành viên tối thiểu của công ty TNHH 2 thành viên là 02 (theo Khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Số lượng thành viên hợp danh tối thiểu của công ty hợp danh là 02 (theo Điểm a Khoản 1 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020).
Trong trường hợp này, các doanh nghiệp có nghĩa vụ tiếp nạp thêm thành viên mới hoặc chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp phù hợp trong thời hạn 6 tháng kể từ khi không đảm bảo số lượng thành viên tối thiểu. Nếu hết thời hạn trên mà không các biện pháp khắc phục, doanh nghiệp sẽ phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp theo luật định.

Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo luật định
Doanh nghiệp có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có các vi phạm nghiêm trọng đối với quy định pháp luật, ngoại trừ các trường hợp được quy định khác trong Luật Quản lý thuế. Tại điều 212 của Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể :
- Kê khai thông tin không đúng sự thật hoặc giả mạo thông tin trong Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp được thành lập bởi các đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
- Không gửi báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 khi Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu.
- Tạm ngừng kinh doanh liên tục trong một năm mà không làm thủ tục khai báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế theo quy định.
- Các trường hợp khác theo quy định của Tòa án hoặc theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền.
Khi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp bị thu hồi thì cả doanh nghiệp và những người quản lý có liên quan sẽ phải liên đới chịu trách nghiệm về toàn bộ các nghĩa vụ nợ phát sinh của doanh nghiệp.
➤ Có thể bạn quan tâm : Dịch vụ tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp do bị thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN
Điều kiện giải thể doanh nghiệp
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 207 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc giải thể doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi đáp ứng đồng thời hai điều kiện sau:
- Doanh nghiệp đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán đối với toàn bộ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
- Doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết bất kỳ tranh chấp nào khác tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Việc đảm bảo đã thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo các cách sau :
- Toàn bộ các khoản nợ được thanh toán đầy đủ và được minh chính bằng các tài liệu có giá trị pháp lý trong hồ sơ giải thể doanh nghiệp.
- Đối với trường hợp giải thể chi nhánh, doanh nghiệp chủ quản có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ phát sinh từ hoạt động của chi nhánh.
- Một số khoản nợ có thể được các tổ chức, cá nhân (bao gồm chủ sở hữu có liên quan) cam kết thanh toán sau khi giải thể doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến các quy định pháp luật về chuyển giao nghĩa vụ được quy định tại Bộ luật Dân sự.
Trên đây là toàn bộ nội dung về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp mà Kế Toán Phía Nam muốn giới thiệu đến bạn. Để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc hoặc có nhu cầu tư vấn dịch vụ giải thể công ty, giải thể doanh nghiệp, vui lòng liên hệ qua Hotline 0907 958 871 hoặc gửi yêu cầu qua địa chỉ ketoanphianam@gmail.com.
Tôi là Nguyễn Văn Thanh – CEO tại Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn và Kê khai thuế Phía Nam. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán – thuế, kiểm toán và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, tôi muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được của mình nhằm mang lại giá trị cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.