Tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động cụ thể mà các đơn vị, doanh nghiệp áp dụng cách tính thuế GTGT để tính số tiền thuế phải nộp. Việc lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp không chỉ quan trọng đối với công tác kế toán mà còn đảm bảo tuân thủ pháp luật. Hãy cùng Kế Toán Phía Nam tìm hiểu các phương pháp tính thuế GTGT, đối tượng áp dụng và các ví dụ minh họa cụ thể.
Các cách tính thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 và các văn bản hướng dẫn hiện hành, có 2 cách tính thuế GTGT của doanh nghiệp, bao gồm :
- Phương pháp khấu trừ thuế : Khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ thuế GTGT đầu ra trên giá bán của hàng, hóa, dịch vụ.
- Phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng : Tính trực tiếp trên phần giá trị tăng thêm được tạo ra của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Theo đó, về nguyên tắc thì công thức chung để xác định thuế giá trị gia tăng là :
Số thuế GTGT phải nộp = Giá tính thuế x Thuế suất GTGT
Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc điểm của từng hoạt động kinh doanh hoặc đối tượng chịu thuế người nộp thuế cần quan tâm phương pháp tính thuế GTGT phù hợp.
Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế
Phương pháp khấu trừ được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn bởi cách tính thuế GTGT này cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi mua hàng hóa, máy móc, nguyên vật liệu và các chi phí khác. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp chỉ nộp thuế trên phần giá trị gia tăng mà mình tạo ra giúp tránh được việc nộp thuế trùng lặp, tối ưu hóa chi phí thuế và nâng cao hiệu quả tài chính so với phương pháp tính thuế trực tiếp.
Đối tượng áp dụng
Theo khoản 2 Điều 11 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024, phương pháp khấu trừ thuế được áp dụng đối với các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật hiện hành về kế toán, hóa đơn, chứng từ, cụ thể như sau :
- Các cơ sở kinh doanh có tổng doanh thu hằng năm từ việc bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trên 01 tỷ đồng, trừ cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh.
- Các cơ sở kinh doanh tự nguyện tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế, trừ cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh.
- Các cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để phục vụ cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí tại Việt Nam nộp thuế theo phương pháp khấu trừ và do bên Việt Nam kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay.
Lưu ý : Các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có doanh thu hằng năm dưới 01 tỷ đồng nếu thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định và đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì vẫn được phép áp dụng phương pháp này.
Công thức tính thuế
Công thức xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế :
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được phép khấu trừ
Trong đó :
- Số thuế GTGT đầu ra = Tổng số thuế GTGT phát sinh từ việc bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và được thể hiện trên hóa đơn GTGT đã xuất.
- Thuế GTGT đầu ra của hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn GTGT = Giá tính thuế x Thuế suất GTGT tương ứng của hàng hóa, dịch vụ đó.
- Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ = Tổng số tiền thuế GTGT ghi trên hóa đơn khi doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ, giấy nộp tiền GTGT khi nhập khẩu hàng hóa hoặc giấy nộp tiền thuế GTGT thay cho phía nước ngoài.
Đối với hàng hóa, dịch vụ mà chứng từ thanh toán đã bao gồm thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết thì giá chưa bao gồm thuế được xác định như sau:
Giá chưa thuế GTGT = Giá thanh toán / (1 + Thuế suất GTGT của hàng hóa, dịch vụ).
Ví dụ minh họa
Ví dụ 1 : Trong quý 4.2025, công ty A ghi nhận tổng thuế GTGT đầu ra trên hóa đơn bán ra là 20.000.000 đồng và tổng số thuế GTGT đầu vào trên hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ là 12.000.000 đồng.
➞ Như vậy, số thuế GTGT phải nộp trong quý 4/2025 = 20.000.000 – 16.000.000 = 4.000.000 đồng.
Ví dụ 2 : Doanh nghiệp B nhập lô hàng có giá trị 300.000.000 đồng với thuế suất GTGT 10%. Sau đó, doanh nghiệp B bán lô hàng trên cho khách hàng với giá 350.000.000 đồng với thuế suất 10%. Hãy tính thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp B vào ngân sách sách nhà nước.
Hướng dẫn :
- Số thuế GTGT đầu vào = 300.000.000 x 10% = 30.000.000 đồng.
- Số thuế GTGT đầu ra = 350.000.000 x 10% = 35.000.000 đồng.
- Số thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp B = 35.000.000 – 30.000.000 = 5.000.000 đồng.
Ví dụ 3 : Một sản phẩm có mức giá 330.000 đồng (đã bao gồm thuế GTGT) với mức thuế suất VAT 10%. Khi đó, giá trước thuế của sản phẩm được tính như sau:
- Giá trước thuế = 330.000 / (1 +10%) = 300.000 đồng.
- Số tiền thuế GTGT phải nộp = 300.000 x 10% = 30.000 đồng.
Cách tính thuế GTGT theo pp trực tiếp
Phương pháp tính thuế trực tiếp đang được áp dụng phổ biến đối với các cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ do tính chất đơn giản trong việc xác định nghĩa vụ thuế và không yêu cầu khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Theo đó, có 2 cách tính thuế GTGT trực tiếp để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp bao gồm :
- Xác định thuế GTGT trực tiếp trên giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ.
- Xác định thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu.
Xác định thuế GTGT trực tiếp trên giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ
(1) Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực mua, bán, chế tác, thiết kế mẫu vàng, bạc và đá quý.
(2) Công tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp trên GTGT :
Thuế suất GTGT phải nộp = GTGT x Thuế suất GTGT.
Trong đó:
- GTGT = Giá bán ra của vàng, bạc, đá quý – Giá mua vào của vàng, bạc, đá quý tương ứng.
- Thuế suất GTGT là 10%.
Ví dụ : Công ty X mua vào 1 vòng vàng với giá 6.500.000 đồng và bán ra với giá 11.000.000 đồng.
➞ Như vậy, số thuế GTGT phải nộp = (11.000.000 – 6.500.000) x 10% = 450.000 đồng.
Xác định thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu
(1) Đối tượng áp dụng cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu được quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Thuế GTGT năm 2024, bao gồm :
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tổng doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng, trừ trường hợp tự nguyện tính thuế theo phương pháp khấu trừ.
- Các hộ kinh doanh và cá nhân sản xuất, kinh doanh.
- Các cá nhân ở nước ngoài không cư trú tại Việt Nam và tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
- Các tổ chức khác, trừ trường hợp đăng ký tính thuế theo phương pháp khấu trừ.
(2) Công thức tính thuế GTGT đối với phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu được quy định như sau :
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu của hàng hóa, dịch vụ x Tỷ lệ % để tính thuế
Trong đó :
- Doanh thu tính thuế GTGT = Tổng tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi nhận trên hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT (kể cả phụ thu, phụ phí).
- Tỷ lệ % thuế suất để tính thuế GTGT được quy định theo từng loại hoạt động, cụ thể:
- Đối với hoạt động phân phối và cung cấp hàng hóa : 1%.
- Đối với các dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu : 5%.
- Đối với hoạt động sản xuất, vận tải, dịch vụ có kèm cung cấp hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu : 3%.
- Đối với các hoạt động kinh doanh khác : 2%.
Ví dụ : Doanh nghiệp B hoạt động trong lĩnh vực ăn uống và thực hiện kê khai thuế theo quý với tổng doanh thu trong kỳ là 300.000.000 đồng. Hãy tính số thuế GTGT phải nộp, biết rằng tỷ lệ phần trăm tính thuế GTGT của dịch vụ ăn uống là 3%.
➞ Số thuế GTGT phải nộp = 300.000.000 x 3% = 9.000.000 đồng.
Lưu ý :
- (1) Các cơ sở kinh doanh hoạt động trong nhiều ngành nghề với tỷ lệ % tính thuế GTGT khác nhau thì phải kê khai riêng cho từng nhóm ngành nghề tương ứng với tỷ lệ quy định.
- (2) Nếu không xác định rõ doanh thu của từng nhóm ngành nghề hoặc sử dụng hợp đồng kinh doanh trọn gói mà không tách bạch doanh thu cho từng phần thì doanh nghiệp phải áp dụng mức tỷ lệ thuế GTGT cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở đang sản xuất, kinh doanh.
Các đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế GTGT
Đối tượng chịu diện thuế GTGT
Căn cứ theo Điều 3, Luật Thuế giá trị gia tăng 48/2024/QH15, đối tượng chịu thuế GTGT là tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ được sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tại Việt Nam, trừ trường hợp thuộc diện không chịu thuế GTGT.
Các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
Theo Điều 5, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2024, Quốc hội đã ban hành danh mục chi tiết bao gồm 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không phải chịu thuế GTGT. Theo đó, các nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế được phân loại như sau:

(1) Nhóm hàng hóa, dịch vụ của ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản
- Sản phẩm cây, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt ở dạng thô hoặc chỉ qua sơ chế thông thường như lúa, rau, củ, quả tươi, hạt cà phê chưa rang hay xay, gà, vịt,…
- Các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp (tưới, tiêu nước, cày, bừa, nạo vét kênh mương nội đồng, thu hoạch sản phẩm…).
- Vật tư nông nghiệp như giống cây trồng, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản.
- Muốn được sản xuất thủ công hoặc chế biến thô với thành phần chính là Natri Clorua (NaCl).
(2) Nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế theo cam kết quốc tế
- Hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu nhằm mục đích nhân đạo, viện trợ mang tính xã hội, hỗ trợ không hoàn lại.
(3) Nhóm hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho xã hội
- Các loại bảo hiểm (bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, vật nuôi, tài sản,…).
- Dịch vụ y tế, thú y, dạy học, dạy nghề, tang lễ, duy tu và sửa chữa các danh lam thắng cảnh, công trình công cộng,…
(4) Nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế theo thông lệ quốc tế
- Dịch vụ cấp tín dụng, cho vay mà người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.
- Chuyển nhượng vốn, bán nợ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh ngoại tệ,…
- Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam, hàng tạm – tái xuất khẩu.
- Nguyên vật liệu nhập khẩu để phục vụ cho quá trình sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.
- Giao dịch mua bán giữa nước ngoài và doanh nghiệp trong khu phi thuế quan hoặc các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan với nhau.
(5) Nhóm hàng hóa, dịch vụ do Ngân sách nhà nước chi trả
- Sản phẩm quốc phòng, an ninh, sản phẩm dịch vụ nhập khẩu phục vụ cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và dịch vụ phát sóng truyền thanh, truyền hình do Ngân sách Nhà nước chi trả,…
(6) Nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế vì lý do đặc thù
- Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh có tổng doanh thu hàng năm dưới 200 triệu đồng, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển giao công nghệ tin học,…
➤ Xem thêm : Danh mục 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không phải chịu thuế GTGT
Các loại thuế suất thuế đang được áp dụng hiện nay
Căn cứ theo quy định tại Luật Thuế Giá trị gia tăng cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, hệ thống thuế suất GTGT tại Việt Nam đang áp dụng 3 mức chính là 0%, 5% và 10%. Mỗi mức thuế suất này được quy định cụ thể cho từng nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả trong quản lý thuế.

Mức thuế suất 0%
Mức thuế suất 0% áp dụng cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và được coi là xuất khẩu, vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải sử dụng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung cấp trực tiếp hoặc thông qua các đại lý cho vận tải quốc tế,…
Mức thuế suất 5%
Mức thuế suất 5% áp dụng đối với những loại hàng hóa, dịch vụ dưới đây:
- Nước sạch dùng để phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
- Phân bón, quặng sản xuất phân bón và các loại thuốc trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi.
- Dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ, nuôi trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng cùng với các dịch vụ sơ chế và bảo quản sản phẩm nông nghiệp.
- Các sản phẩm cây trồng, rừng trồng (trừ gỗ và măng), chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng và đánh bắt chưa chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, trừ các sản phẩm thuộc diện không chịu thuế GTGT.
- Các dạng mủ cao su như mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm, lưới, dây giềng và sợi chuyên dụng để đan lưới đánh bắt cá.
- Các sản phẩm thủ công được sản xuất từ đay, cói, tre, nứa, lá, rơm, vỏ dừa, sọ dừa, bèo tây và nguyên liệu tận dụng từ nông nghiệp, xơ bông đã qua các công đoạn chải thô, chải kỹ, giấy in báo.
- Các loại tàu khai thác thủy sản hoạt động tại vùng biển, máy móc, thiết bị chuyên dụng phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.
- Các thiết bị, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, dược chất, dược liệu để sản xuất thuốc theo quy định của pháp luật.
- Các thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập như mô hình, hình vẽ, bảng, phấn, thước, compa.
- Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật mang tính truyền thống và dân gian.
- Các loại sách, đồ chơi dành cho trẻ em.
- Dịch vụ khoa học, công nghệ.
- Bán, cho thuê, cho thuê để mua nhà ở xã hội.
Mức thuế suất 10%
Thuế suất thuế GTGT 10% là mức thuế phổ biến áp dụng cho phần lớn các loại hàng hóa và dịch vụ lưu thông trên thị trường, trừ trường hợp được miễn thuế, áp dụng thuế suất 0% hoặc 5%. Đặc biệt, mức thuế suất GTGT 10% cũng được áp dụng đối với dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài cho các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam thông qua các nền tảng số và các kênh thương mại điện tử.
Ngày 30 tháng 6 năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP quy định về việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT. Theo đó, từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được điều chỉnh giảm xuống còn 8%.

Tuy nhiên, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc thù sẽ không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này, bao gồm:
- Viễn thông.
- Tài chính.
- Chứng khoán.
- Bảo hiểm.
- Kinh doanh bất động sản.
- Sản phẩm từ kim loại, khai khoáng (trừ than).
- Các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Một vài lưu ý khi tính thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng hay thuế VAT là loại thuế gián thu áp dụng rộng rãi tại Việt Nam và có tác động đáng kể đến hoạt động tài chính của các doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và tối ưu nghĩa vụ nộp thuế, doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau trong quá trình tính toán về kê khai thuế GTGT.
Một là, doanh nghiệp có thể áp dụng cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hoặc phương pháp trực tiếp. Mỗi phương pháp sẽ có ưu và nhược điểm riêng nên doanh nghiệp cần cân nhắc theo hoạt động, quy mô, chi phí và cơ cấu doanh thu để đưa ra quyết định phù hợp.
Hai là, việc sử dụng hóa đơn không hợp lệ hoặc hóa đơn khống, doanh nghiệp có thể bị truy thu thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ trong việc tiếp nhận, phát hành và lưu trữ hóa đơn GTGT.
Ba là, doanh nghiệp cần căn cứ vào mức doanh thu để xác định kỳ kê khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý. Trường hợp doanh nghiệp chậm nộp thuế so với thời hạn quy định sẽ bị phạt chậm nộp 0,03% mỗi ngày trên tổng số tiền thuế chưa nộp.
Bốn là, chính sách thuế thường xuyên thay đổi nên doanh nghiệp cần cập nhật để tránh nộp thừa tiền thuế hoặc kê khai sai dẫn đến bị truy thu thuế. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động chủ động cập nhật thông tin từ Tổng cục Thuế, các Chi cục Thuế khu vực để hạn chế tối đa các sai sót.
Trên đây là những thông tin mà Kế Toán Phía Nam muốn chia sẻ đến bạn về các cách tính thuế GTGT phải nộp của doanh nghiệp. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc tính toán thuế chính xác và hiệu quả. Đừng quên liên hệ với Hotline 0907 958 871 để được tư vấn chuyên sâu và hỗ trợ kịp thời mọi vấn đề liên quan đến kế toán và thuế.
Tôi là Nguyễn Văn Thanh – CEO tại Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn và Kê khai thuế Phía Nam. Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán – thuế, kiểm toán và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, tôi muốn chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được của mình nhằm mang lại giá trị cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.