Cách tính & các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp

Nắm vững các quy định về thuế là yếu tố then chốt giúp hộ kinh doanh cá thể hoạt động hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Trong bài viết này của Kế Toán Phía Nam sẽ cung cấp cái nhìn toàn diện về thuế hộ kinh doanh cá thể từ các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp, cách tính thuế cho đến phương pháp nộp thuế của hộ kinh doanh theo quy định hiện hành.

Các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp

Theo quy định hiện hành của Luật Quản lý thuế cùng các văn bản hướng dẫn liên quan, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm kê khai và nộp ba loại thuế, phí chính sau :

  • Thuế (lệ phí) môn bài.
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Ngoài ba loại thuế nêu trên, hộ kinh doanh cá thể còn có thể phải nộp thêm thuế nếu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này, ví dụ : thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt,…

Các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp
Các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp

➤ Có thể bạn quan tâm : Quy định mới về thuế đối với doanh nghiệp [Cập nhật 2025]

Cách tính các loại thuế của hộ kinh doanh cá thể

Cách tính thuế (lệ phí) môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể

Lưu ý : Kể từ ngày 01/01/2026, các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh, công ty, doanh nghiệp sẽ không còn phải kê khai và nộp lệ phí môn bài (theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị quyết số 198/2025/QH15).

(1) Các bậc thuế môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể

Căn cứ theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và điểm c, khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP, mức thu lệ phí môn bài áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được xác định dựa trên doanh thu bình quân hàng năm. Cụ thể như sau :

  • Trên 500 triệu đồng/năm : 1.000.000 đồng/năm.
  • Trên 300 đến 500 triệu đồng/năm : 500.000 đồng/năm.
  • Trên 100 đến 300 triệu đồng/năm : 300.000 đồng/năm.

Lưu ý : Miễn lệ phí môn bài cho hộ kinh doanh trong năm đầu thành lập hoặc hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm, kinh doanh không thường xuyên, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất muối hoặc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.

  • Ví dụ 1 : Anh A thành lập một hộ kinh doanh chuyên về dịch vụ sửa chữa điện tử vào tháng 5/2024. Anh A sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm 2024.
  • Ví dụ 2 : Cũng ví dụ trên, qua năm 2025, doanh thu HKD của anh A là 450 triệu đồng thì anh A phải nộp thuế môn bài là 500.000 đồng/năm.

(2) Thời điểm xác định doanh thu tính thuế môn bài đối với hộ kinh doanh

Các hộ kinh doanh mới thành lập hoặc mới bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên thành lập. Từ năm thứ hai trở đi, mức thuế môn bài sẽ là tổng doanh thu phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền trước đó.

Cách tính thuế GTGT và TNCN cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

(1) Cập nhật quy định về việc miễn thuế GTGT và thuế TNCN cho hộ kinh doanh

Trước ngày 31/12/2025, các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu chịu thuế dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải đóng thuế GTGT và thuế TNCN. Kể từ ngày 01/01/2026, ngưỡng doanh thu để được miễn thuế GTGT và thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể sẽ được tính từ 200 triệu đồng/ năm trở xuống.

(2) Công thức tính thuế GTGT và thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể

Căn cứ để xác định số thuế GTGT và thuế TNCN của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải nộp là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu (theo quy định tại Điều 10 Thông tư 40/2-21/TT-BTC). Theo đó, số thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp được tính theo công thức :

Công thức tính thuế GTGT và thuế TNCN đối với hộ kinh doanh cá thể

Trong đó, doanh thu tính thuế hộ kinh doanh cá thể là tổng doanh thu đã bao gồm tiền thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiền gia công, tiền cung  ứng dịch vụ và tiền hoa hồng. Còn tỷ lệ % tính thuế trên doanh thu cho từng lĩnh vực được quy định chi tiết tại phụ lục I Thông tư 69/2025/TT-BTC và phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau : 

Bảng tỷ lệ % tính thuế GTGT, thuế TNDN trên doanh thu cho từng lĩnh vực

Các phương pháp tính thuế hộ kinh doanh cá thể theo quy định hiện hành

Tùy thuộc vào quy mô, lĩnh vực hoạt động và ngành nghề cụ thể, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ áp dụng theo các cách tính thuế hộ kinh doanh nhỏ lẻ khác nhau, như : 

  • Phương pháp kê khai : Áp dụng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy mô lớn hoặc tự nguyện chọn phương pháp kê khai.
  • Phương pháp kê khai, nộp thuế theo từng lần phát sinh : Áp dụng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động không thường xuyên, không có địa điểm cố định.
  • Phương pháp khoán : Áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng kê khai thuế hoặc nộp theo từng lần phát sinh.

Lưu ý : Kể từ ngày 01/6/2025 đến hết ngày 31/12/2025, chính sách bỏ thuế khoán hộ kinh doanh được áp dụng đối với các hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng thuộc các ngành nghề cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như bán lẻ, ăn uống, vận tải, vui chơi, giải trí,… Từ ngày 01/01/2026 trở đi, chính sách bỏ thuế khoán sẽ được áp dụng đối với tất cả các hộ và cá nhân kinh doanh.

Đặc điểm của các phương pháp tính thuế hộ kinh doanh cá thể
Đặc điểm của các phương pháp tính thuế hộ kinh doanh cá thể

Các hộ kinh doanh cá thể nộp thuế như thế nào ?

Hướng dẫn hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai

(1) Hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

  • Tờ khai thuế hộ kinh doanh cá thể theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
  • Phụ lục bảng kê hoạt động kinh doanh trong kỳ của cá nhân, hộ kinh doanh theo mẫu số 01-2/BK-HĐKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC (nếu có căn cứ xác định doanh thu từ cơ quan chức năng thì không phải nộp phụ lục này).

(2) Nơi nộp hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

Nơi nộp hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể
Nơi nộp hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể
  • Nộp hồ sơ điện tử tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ : https://dichvucong.gov.vn hoặc tại Cổng Thuế điện từ theo địa chỉ : https://thuedientu.gdt.gov.vn, sau đó chọn phân hệ “CÁ NHÂN”.
  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc qua bưu chính.

(3) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

Căn cứ theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai được quy định cụ thể như sau :

  • Đối với kê khai thuế theo tháng : Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng kế tiếp tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Đối với kê khai thuế theo quý : Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý kê tiếp quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

(4) Thời hạn nộp thuế :

Hạn chót nộp thuế đối với hộ kinh doanh cũng là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.

Hướng dẫn hộ kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh

(1) Hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

  • Tờ khai thuế hộ kinh doanh cá thể theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
  • Bản sao hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh.
  • Bản sao của biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng (nếu có).
  • Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp như bảng kê thu mua nông sản, bảng kê trao đổi mua bán hàng hóa của cư dân biên giới,…
Tờ khai mẫu số 01/CNKD
Tờ khai mẫu số 01/CNKD

(2) Nơi nộp hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

  • Đối với các trường hợp kinh doanh lưu động : Nộp hồ sơ tại Chi cục thuế nơi cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh.
  • Đối với các cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số hoặc từ chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”: Nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú.
  • Đối với cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân : Nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế nơi cá nhân phát sinh hoạt động xây dựng.

(3) Hồ sơ nộp hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

Thời hạn nộp theo từng lần phát sinh giao dịch là trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

(4) Thời hạn nộp thuế :

Thời hạn nộp thuế hộ kinh doanh cá thể chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Đối với trường hợp kê khai bổ sung, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót.

Hướng dẫn nộp thuế hộ kinh doanh cá thể theo phương pháp khoán

(1) Hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

– Tờ khai thuế hộ kinh doanh cá thể theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

– Trong trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp hoặc bán lẻ theo từng lần phát sinh thì nộp tờ khai thuế khoán theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40 và các tài liệu sau :

  • Bản sao hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh theo phương pháp khoán.
  • Bản sao của biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng (nếu có).
  • Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.

(2) Nơi nộp hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

Các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nộp thuế tại tổ công tác tiếp nhận tờ khai thuế tại UBND xã, phường, thị trấn. 

(3) Hồ sơ nộp hồ sơ khai thuế hộ kinh doanh cá thể :

Các hộ kinh doanh phải hoàn thành việc nộp thuế chậm nhất vào ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế. Nếu hộ khoán sử dụng hóa đơn cấp lể cho từng lần phát sinh hoặc hộ mới kinh doanh, chuyển đổi phương pháp tính thuế, ngành nghề kinh doanh thì thời hạn nộp tờ khai chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày phát sinh các sự kiện trên.

(4) Thời hạn nộp thuế :

Các hộ kinh doanh theo phương pháp khoán nộp thuế GTGT, thuế TNCN theo thời hạn trên Thông báo nộp tiền.

(5) Bỏ thuế khoán hộ kinh doanh nộp thuế như thế nào?

Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sau khi bỏ thuế khoán từ ngày 1/6/2025 (đối với hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng) và từ ngày 1/1/2026 (đối với tất cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) sẽ nộp thuế theo phương pháp kê khai thực tế trên doanh thu và sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.

Tóm tắt hướng dẫn nộp thuế hộ kinh doanh cá thể theo từng phương pháp
Tóm tắt hướng dẫn nộp thuế hộ kinh doanh cá thể theo từng phương pháp

Các câu hỏi thường gặp về thuế hộ kinh doanh cá thể

Cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể phải nộp thuế gì?

Có 3 loại thuế, phí chính mà các hộ kinh doanh cá thể cần nộp bao gồm thuế GTGT, thuế TNCN và lệ phí môn bài. Bên cạnh đó, tùy thuộc ngành nghề và hàng hóa kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể có thể nộp thêm thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Lưu ý : Kể từ ngày 1/1/2026,  các hộ kinh doanh cá thể không cần phải nộp thuế môn bài (lệ phí môn bài).

Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm có cần phải nộp thuế không?

Các hộ kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng năm dưới 100 triệu đồng thì không cần phải nộp thuế môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN. Từ ngày 1/1/2026, thuế môn bài sẽ bị chấm dứt và ngưỡng doanh thu để được miễn thuế GTGT, thuế TNCN sẽ được điều chỉnh tăng lên từ 200 triệu đồng trở xuống.

Cách tính thuế GTGT và TNCN cho hộ kinh doanh cá thể là gì?

Thuế GTGT và thuế TNCN của hộ kinh doanh cá thể được tính như sau :

  • Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT.
  • Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN.

Bỏ thuế khoán hộ kinh doanh đóng thuế như thế nào?

Sau khi bỏ thuế khoán, các hộ kinh doanh cá thể sẽ chuyển sang phương pháp kê khai thuế và sử dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền hoặc tính thuế theo từng lần phát sinh, tùy thuộc vào quy mô và tính chất hoạt động của hộ kinh doanh cá thể.

Trên đây là tất cả các thông tin mà Kế Toán Phía Nam chia sẻ về các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình nộp thuế của hộ kinh doanh. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần tư vấn hoặc hỗ trợ, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 0907 958 871 để được giải đáp nhanh chóng và chi tiết nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *