Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp năm 2025

Hiện nay, có hai phương pháp chính để tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Việc lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp. Trong bài viết này, Kế Toán Phía Nam sẽ giới thiệu đến bạn cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp bao gồm đối tượng áp dụng và cách xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp này.

Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp năm 2025
Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp năm 2025

Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là gì?

Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp là cách doanh nghiệp xác định số thuế GTGT (thuế VAT) phải nộp dựa trên tỷ lệ % trên doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh. Điểm nổi bật của phương pháp tính thuế này là doanh nghiệp phải kê khai và nộp thuế ngay khi phát sinh doanh thu mà không cần quan tâm đến các khoản thuế GTGT đầu vào.

Các trường hợp áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Theo quy định tại Điều 12 của Luật Thuế giá trị gia tăng 48/2024/QH15, có 2 cách để doanh nghiệp thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp là tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng (GTGT) và trực tiếp trên doanh thu, cụ thể như sau:

Đối với doanh nghiệp mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý

Các cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực mua bán và chế tác vàng, bạc, và đá quý sẽ tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT của vàng, bạc, đá quý theo công thức sau :

Số thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng x Thuế suất giá trị gia tăng

 

Công thức tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp khi bán vàng, bạc, đá quý

Trong đó :

  • Giá trị gia tăng = Giá thanh toán khi bán ra – Giá thanh toán khi mua vào tương ứng.
  • Thuế suất thuế GTGT của hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý là 10%.
  • Giá thanh toán bán ra là giá thực tế ghi trên hóa đơn đã bao gồm tiền công chế tác, thuế GTGT và các khoản phụ phí (nếu có).
  • Giá thanh toán mua vào là tổng giá vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu đã bao gồm thuế GTGT.

➤ Xem thêm : Cách tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ

Lưu ý : 

  • Trong kỳ tính thuế, nếu phát sinh cả giá trị gia tăng âm và giá trị gia tăng dương thì được phép bù trừ lẫn nhau. 
  • Trường hợp chỉ phát sinh giá trị gia tăng âm hoặc giá trị gia tăng dương không đủ để bù trừ hết giá trị gia tăng âm, phần chênh lệch này được phép chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo trong cùng năm để bù trừ. 
  • Nếu kết thúc năm dương lịch mà giá trị gia tăng âm vẫn còn dư sau khi bù trừ thì số dư âm này không được kết chuyển sang năm tiếp theo.

Ví dụ : Công ty X chuyên kinh doanh vàng, bạc, đá quý mua vào 50 lượng vàng với giá 5 tỷ đồng (đã bao gồm thuế). Sau đó, công ty X bán ra với giá 5,5 tỷ đồng (đã bao gồm thuế và tiền công chế tác. Yêu cầu xác định phần giá trị gia tăng và tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp mà công ty X phải nộp.

Hướng dẫn giải :

  • Giá trị gia tăng = 5,5 – 5 = 0,5 tỷ đồng (500 triệu đồng).
  • Số thuế GTGT phải nộp = 0,5 x 10% = 0,05 tỷ đồng (50 triệu đồng).

Đối với các doanh nghiệp khác

Theo khoản 2 Điều 12 của Luật Thuế GTGT 2024, các đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu được quy định như sau :

  • Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có doanh thu hàng năm dưới 01 tỷ đồng, trừ trường hợp tự nguyện tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
  • Cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh. 
  • Các cá nhân, tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú và không cư trú tại Việt Nam có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
  • Các tổ chức khác, trừ trường hợp áp dụng tính thuế theo phương pháp khấu trừ.

Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu theo công thức sau :

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT

Công thức tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu

Trong đó : 

  • Doanh thu tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn, bao gồm các khoản phụ thu và phí phát sinh mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
  • Trong trường hợp doanh nghiệp có doanh thu từ hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế và doanh thu từ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu sẽ không áp dụng tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu.
  • Để xác định nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng phải nộp, tỷ lệ tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp (%) sẽ được căn cứ theo lĩnh vực và ngành nghề, sản xuất kinh doanh cụ thể :
Danh mục tỷ lệ tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
Danh mục tỷ lệ tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Lưu ý :

  • Cơ sở sản xuất kinh doanh phải kê khai thuế GTGT theo từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề theo tỷ lệ tương ứng theo quy định nêu trên. 
  • Trong trường hợp không xác định rõ hoặc không tách riêng được doanh thu của từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề có tỷ lệ thuế GTGT khác nhau thì phải áp dụng mức tỷ lệ % cao nhất của nhóm ngành mà cơ sở đó hoạt động.
  • Đối với các hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm nhiều hoạt động thuộc các nhóm lĩnh vực, ngành nghề có tỷ lệ thuế GTGT khác nhau thì phải áp dụng mức tỷ lệ thuế cao nhất trong số các nhóm ngành liên quan đến hợp đồng đó.

Ví dụ : Công ty A đang áp dụng phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu. Trong kỳ tính thuế, công ty A phát sinh các sự kiện sau :

  • Xuất bán 150 bàn làm việc với giá chưa thuế 300.000 đồng.
  • Tỷ lệ % để tính thuế GTGT : 2% (doanh thu từ hoạt động kinh doanh khác).

Yêu cầu : Hãy tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp mà công ty A phải nộp.

Hướng dẫn giải :

  • Doanh thu chưa thuế = 150 x 300.000 = 45.000.000 đồng.
  • Thuế GTGT phải nộp = 45.000.000 x 2% = 900.000 đồng

➞ Công ty A phải nộp 900.000 đồng tiền thuế GTGT.

Cách tính thuế GTGT đối với cá nhân, hộ kinh doanh

Các quy định về hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng cho cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh hiện được trình bày tại Thông tư 40/2021/TT-BTC. Theo đó, có 3 phương pháp chính để tính thuế GTGT đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh là kê khai, tính theo từng lần phát sinh và thuế khoán.

Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2026, theo Luật Thuế GTGT 2024, phương pháp thuế khoán sẽ không còn được áp dụng cho hộ, cá nhân kinh doanh. Thay vào đó, những đối tượng này sẽ phải thực hiện kê khai và nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu.

Đối tượng áp dụng

Cũng theo Luật Thuế GTGT 2024, các cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm từ 200 triệu trở xuống (trước đây 100 triệu) sẽ không phải chịu thuế GTGT. Ngược lại, các cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu trên 200 triệu đồng sẽ áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu. 

Tính thuế theo phương pháp trực tiếp đối với cá nhân, hộ kinh doanh

Có 3 phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu đối với hộ, cá nhân kinh doanh, bao gồm:

3 phương pháp tính thuế trực tiếp trên doanh thu đối với hộ, cá nhân kinh doanh

Phương pháp kê khai

Đối tượng áp dụng phương pháp kê khai là cá nhân, hộ kinh doanh có quy mô lớn và cá nhân, hộ kinh doanh chưa đạt quy mô lớn nhưng tự nguyện tính thuế theo phương pháp kê khai. Theo quy định, quy mô lớn được xác định theo tiêu chí số lượng lao động tham gia BHXH bình quân trong năm và tổng doanh thu của năm liền trước, cụ thể :

  • Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng : Có bình quân trên 10 lao động tham gia BHXH hoặc tổng doanh thu của năm liền trước trên 3 tỷ đồng.
  • Thương mại, dịch vụ : Có bình quân trên 10 lao động tham gia BHXH hoặc tổng doanh thu của năm liền trước trên 10 tỷ đồng.

Các cá nhân, hộ kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai phải khai và tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu phát sinh từng tháng, quý và không phải quyết toán thuế vào cuối năm. Lưu ý rằng, các cá nhân, hộ kinh doanh phải tuân thủ đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phương pháp tính thuế GTGT theo từng lần phát sinh

Đối tượng áp dụng là các cá nhân kinh doanh không thường xuyên hoặc không có địa điểm kinh doanh cố định bao gồm cá nhân kinh doanh lưu động, chủ thầu xây dựng tư nhân, cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam có đuôi “.vn” và các cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.

Phương pháp tính thuế GTGT theo từng lần phát sinh
Phương pháp tính thuế GTGT theo từng lần phát sinh

Trong trường hợp này, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % doanh thu thực tế phát sinh trên từng giao dịch. Mặc dù không bắt buộc phải áp dụng đầy đủ chế độ kế toán nhưng các cá nhân và hộ kinh doanh cần lưu giữ toàn bộ hóa đơn, chứng từ hợp pháp để xuất trình kèm hồ sơ khai thuế cho từng lần phát sinh khi cần thiết.

Các tài liệu cần nộp kèm theo hồ sơ khai thuế cho từng lần phát sinh bao gồm:

  • Bản sao hợp đồng kinh tế chứng minh tính hợp pháp của hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
  • Bản sao biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng đã được các bên xác nhận.
  • Bản sao các chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa được kê khai.

Phương pháp thuế khoán

Đối tượng áp dụng thuế khoán là cá nhân, hộ kinh doanh không thuộc 2 trường hợp trên và các cá nhân, hộ kinh doanh không đủ 12 tháng trong năm dương lịch (mới kinh doanh, kinh doanh thời vụ, tạm ngừng kinh doanh). Khi đó, cơ sở xác định doanh thu dưới ngưỡng không chịu thuế là ước tính doanh thu trong 12 tháng dựa trên doanh thu thực tế của số tháng thực tế kinh doanh.

Ví dụ : Ông X bắt đầu kinh doanh từ tháng 06/2022 và nộp thuế theo phương pháp khoán với doanh thu dự kiến cho 7 tháng hoạt động thực tế là 70 triệu đồng. Doanh thu tương ứng của một năm là 70 : 7 x 12 = 120 triệu đồng (>100 triệu đồng theo Luật Thuế GTGT 2016).

Ông X phải nộp thuế GTGT do doanh thu vượt ngưỡng quy định.

Cách xác định mức thuế phải nộp theo phương pháp khoán :

  • Mức thuế khoán mà cá nhân, hộ kinh doanh phải nộp được tính theo năm hoặc theo tháng (đối với kinh doanh mùa vụ) hoặc theo quyết định của cơ quan thuế.
  • Các cá nhân kinh doanh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán.
  • Trường hợp sử dụng hóa đơn bán lẻ khi nộp thuế khoán thì cá nhân cần lưu trữ đầy đủ và xuất trình các hóa đơn, chứng từ bán lẻ theo từng lần phát sinh giao dịch.

Kể từ ngày 01/01/2026, Việt Nam sẽ chính thức bãi bỏ cơ chế thuế khoán đối với các cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh. Do đó, các cá nhân, hộ kinh doanh đang áp dụng thuế khoán cần chuyển sang kê khai và tính thuế theo phương pháp trực tiếp theo doanh thu phát sinh trong kỳ để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp.

Cách tính thuế GTGT của cá nhân, hộ kinh doanh trong trường hợp khác

Cá nhân cho thuê tài sản

Thuế GTGT phải nộp = 5% trên tổng doanh thu từ việc cho thuê tài sản.

Doanh thu tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là doanh thu từ hoạt động cho thuê các loại tài sản sau :

  • Nhà ở, mặt bằng, cửa hàng, kho bãi, nhà xưởng (trừ dịch vụ lưu trú).
  • Máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải không kèm theo người điều khiển.
  • Các loại tài sản khác (không đi kèm dịch vụ liên quan).

Lưu ý :
(1)
Các khoản thu nhập từ dịch vụ lưu trú như khách sạn, cho thuê căn hộ ngắn hạn, ký túc xá và các dịch vụ ăn uống đi kèm sẽ không được tính vào doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản.

(2) Cá nhân cho thuê tài sản kê khai thuế theo từng lần phát sinh hoặc theo năm dương lịch.

(3) Trong trường hợp không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng thì ước tính doanh thu dựa trên số tháng phát sinh thực tế (tương tự ví dụ đã nêu ở phương pháp khoán).

(4) Nếu bên thuê tài sản trả tiền trước cho nhiều năm thì cá nhân kê khai và nộp thuế một lần đối với toàn bộ doanh thu trả trước. Nếu có thay đổi dẫn đến điều chỉnh về doanh thu, thời hạn thuê hoặc kỳ thanh toán thì cá nhân phải khai điều chỉnh và bổ sung tại kỳ tính thuế có phát sinh thay đổi.

Cá nhân, tổ chức kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân

Trong một số trường hợp cụ thể, các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện việc kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân khác bao gồm :

  • Tổ chức thuê tài sản của cá nhân, nếu hợp đồng quy định bên đi thuê nộp thuế.
    Tổ chức tham gia hợp tác kinh doanh với cá nhân.
  • Chi trả các khoản hỗ trợ, thưởng, khuyến mại, chiết khấu thương mại hoặc các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng cho cá nhân, hộ kinh doanh nộp khoán.
  • Tổ chức tại Việt Nam là đối tác của nền tảng số nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam).
  • Chủ sàn TMĐT.
  • Các cá nhân, tổ chức được ủy quyền để khai và nộp thuế thay.

Trường hợp cá nhân phát sinh doanh thu từ nhiều nguồn khác nhau trong năm dương lịch và tổng doanh thu ước tính vượt ngưỡng quy định không chịu thuế GTGT, cá nhân có thể ủy quyền cho các tổ chức chi trả thực hiện việc kê khai và nộp thuế thay đối với khoản doanh thu phát sinh tại từng đơn vị được ủy quyền.

Đối với cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, ngoài doanh thu khoán, nếu có phát sinh các khoản thu nhập khác như tiền thưởng, thưởng doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, tổ chức chi trả kê khai và nộp thuế thay theo giá trị thực tế chi trả.

Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu

Căn cứ theo quy định của pháp luật, các nhóm ngành nghề áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu như sau :

Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu
Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu

(1) Nhóm ngành phân phối, cung cấp hàng hóa theo tỷ lệ 1% :

Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hàng hóa. Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp bán hàng theo hình thức đại lý bán đúng giá và hưởng hoa hồng.

(2) Nhóm ngành dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu theo tỷ lệ 5% :

  • Dịch vụ lưu trú : Kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ và nhà trọ.
  • Dịch vụ cho thuê TSCĐ : Cho thuê BĐS (nhà ở, đất đai, cửa hàng), cơ sở sản xuất (nhà xưởng, kho bãi) và phương tiện vận tải.
  • Dịch vụ hỗ trợ vận tải : Bốc xếp hàng hóa, bán vé và trông giữ phương tiện.
  • Dịch vụ bưu chính : Chuyển phát thư tín và bưu phẩm.
  • Dịch vụ môi giới, đấu giá : Môi giới BĐS, đấu giá tài sản và đại lý hoa hồng.
  • Dịch vụ tư vấn : Tư vấn pháp luật, tài chính, kế – kiểm toán, thuế và hải quan.
  • Dịch vụ công nghệ : Xử lý dữ liệu, cho thuê cổng thông tin điện tử và viễn thông.
  • Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh : Cung cấp dịch vụ văn phòng và quản lý doanh nghiệp.
  • Dịch vụ giải trí : Kinh doanh karaoke, tắm hơi, massage, vũ trường, bi-a, internet và trò chơi điện tử.
  • Dịch vụ cá nhân : May đo, giặt là, làm tóc, cắt tóc và trang điểm.
  • Dịch vụ sửa chữa máy tính, đồ gia dụng nhỏ.
  • Xây dựng và lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu (kể cả lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp).

(3) Nhóm ngành sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu theo tỷ lệ 3% :

  • Sản xuất, chế biến : Gia công hàng hóa, khai thác tài nguyên khoáng sản.
  • Vận tải : Dịch vụ vận chuyển cho cả hàng hóa, hành khách.
  • Dịch vụ đi kèm bán hàng : Bảo dưỡng, đào tạo, chuyển giao công nghệ.
  • Dịch vụ ăn uống : Nhà hàng, quán ăn, dịch vụ cung cấp suất ăn theo hợp đồng.
  • Sửa chữa, bảo trì : Máy móc, phương tiện vận tải, ô tô và xe máy.
  • Xây dựng, lắp đặt bao thầu nguyên vật liệu (kể cả lắp đặt thiết bị công nghiệp).

(4) Nhóm ngành kinh doanh khác theo tỷ lệ 2% :

Đối tượng áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu theo tỷ lệ 2% là các loại hàng hóa, dịch vụ tính thuế theo phương pháp khấu trừ với thuế suất 5% hoặc các nhóm ngành nghề chưa được nêu ở trên.

➤Xem thêm : Tổng hợp các mức thuế suất GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ

Một số điều cần lưu ý khi tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Việc kê khai và tính toán thuế GTGT đòi hỏi sự chính xác và tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật hiện hành. Để đảm bảo tính minh bạch và tránh các sai sót, các doanh nghiệp và đơn vị cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây:

Các yếu tổ ảnh hưởng đến việc tính thuế GTGT

Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tính toán và kê khai thuế GTGT, cụ thể như sau :

  • Loại hàng hóa, dịch vụ : Mỗi loại hàng hóa, dịch vụ sẽ chịu mức thuế suất GTGT khác nhau.
  • Đối tượng nộp thuế : Tùy thuộc vào từng đối tượng nộp thuế (cá nhân, doanh nghiệp) sẽ có quy định khác nhau về việc tính toán và kê khai thuế.
  • Chính sách thuế hiện hành : Các cá nhân, đơn vị chịu thuế cần chủ động cập nhật thường xuyên các thay đổi trong chính sách để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Kinh doanh nhiều ngành nghề

Đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động đa ngành nghề với các tỷ lệ % để tính thuế GTGT khác nhau thì phải kê khai thuế riêng biệt cho từng nhóm ngành nghề theo đúng mức tỷ lệ quy định. 

Nếu không xác định rõ doanh thu của từng nhóm ngành nghề hoặc đối với hợp đồng kinh doanh trọn gói có nhiều hoạt động thuộc các nhóm tỷ lệ khác nhau nhưng không thể tách biệt doanh thu thì áp dụng mức tỷ lệ thuế GTGT cao nhất trong các nhóm ngành nghề mà cơ sở kinh doanh đang hoạt động.

Hóa đơn, chứng từ

Các cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp có trách nhiệm sử dụng hóa đơn bán hàng trong quá trình hoạt động.

Hỏi ý kiến từ chuyên gia

Nếu các cá nhân, cơ sở kinh doanh chưa rõ về cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp nên liên hệ với các chuyên gia có kinh nghiệm hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan quản lý thuế để nhận được hướng dẫn cụ thể và kịp thời.

Như vậy, cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là phương pháp phù hợp cho các cá nhân hộ kinh doanh và doanh nghiệp có quy mô nhỏ hoặc kinh doanh các ngành nghề đặc thù. Việc nắm vững phương pháp tính thuế trực tiếp sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật, hạn chế sai sót xảy ra và góp phần tối ưu hóa chi phí thuế cho doanh nghiệp. Nếu có thắc mắc về cách tính thuế GTGT hoặc có bất kỳ câu hỏi nào liên quan, vui lòng liên hệ với Kế Toán Phía Nam qua Hotline 0907 958 871 để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *